23/12/2024

Công ty đã nhận được thông báo của HOSE về việc chấp thuận niêm yết của cổ phiếu ORS. Theo đó, 200 triệu cổ phiếu ORS sẽ chính thức dừng giao dịch trên UPCOM dự kiến vào ngày 18/10/2021.

Sau đó, ORS dự kiến sẽ giao dịch trên HoSE từ ngày 25/10/2021 với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là giá bình quân tham chiếu hai mươi phiên giao dịch liên tục gần nhất trên UPCOM. Biên độ dao động trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20%.

Đây là lộ trình đã được Hội đồng quản trị TPS đề ra từ trước và được Đại hội đồng cổ đông thông qua trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Theo ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TPS, công ty chuyển sàn niêm yết sang HOSE là bước đi mang tính chiến lược trong hoạt động, qua đó nâng tầm vị thế và giá trị thương hiệu của TPS tới cộng đồng nhà đầu tư, đối tác. Đồng thời, hiện thực hóa cam kết, đảm bảo lợi ích cao nhất tới các cổ đông công ty.

HOSE là sàn giao dịch có quy mô vốn hóa lớn nhất, thanh khoản tốt và chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính vì vậy, Hội đồng quản trị, Ban điều hành TPS xác định niêm yết trên sàn HOSE nhằm khẳng định tính công khai, minh bạch và lành mạnh tài chính của công ty, hướng đến quản trị công ty tốt hơn. Qua đó mở ra cơ hội huy động vốn mới để đầu tư phát triển kinh doanh, nâng cao niềm tin, sự ủng hộ của cổ đông, khách hàng, cũng như đối tác và từng bước gặt hái thêm những kết quả ấn tượng.

Niêm yết trên HOSE là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với TPS, là cột mốc hoàn tất giai đoạn tái cơ cấu ORS và đưa TPS sang một giai đoạn phát triển mới, với các mục tiêu mới, lớn hơn, dài hạn hơn, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt.

Đây chắc chắn là sự kiện ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của TPS sau này. Câu chuyện chuyển sàn niêm yết của TPS có phần đặc biệt, bởi tiền thân là CTCP chứng khoán Phương Đông đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX do thua lỗ liên tiếp 3 năm 2016-2018.

Từ khi tái cấu trúc, TPS đã và đang hoàn thành nhiều kế hoạch mang tính then chốt như nâng cao tiềm lực tài chính và đủ điều kiện kinh doanh các nghiệp vụ đầy đủ của một CTCK, đa dạng hóa nguồn thu đồng thời xây dựng đội ngũ nhân sự bài bản, đầu tư hệ thống hạ tầng, công nghệ hiện đại hướng tới là CTCK có hệ thống giao dịch tốt nhất hàng đầu thị trường và có các sản phẩm, dịch vụ khác biệt so với các công ty trong cùng lĩnh vực.

Song song đó là kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu hoạt động năm 2020 đạt 390 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 103,7 tỷ đồng, tăng gần 104% so với lợi nhuận trước thuế của năm 2019. Các chỉ tiêu này vượt 21% doanh thu và 29,6% lợi nhuận theo kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra. Tiếp đó, trong nửa đầu năm 2021, TPS cũng có kết quả kinh doanh bứt phá với tổng doanh thu hoạt động đạt 541 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế gần 151 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ 2020, lợi nhuận 6 tháng đầu năm đã đạt và vượt kế hoạch của cả năm 2021.

TPS chính thức xóa hết lỗ lũy kế trong quý 1/2021, đến cuối quý 2/2021, TPS ghi nhận lợi nhuận chưa phân phối hơn 111 tỷ đồng.

Điểm tích cực là sự tăng trưởng đến từ tất cả các mảng hoạt động của TPS bao gồm thế mạnh ở mảng hoạt động tư vấn tài chính (chủ yếu là tư vấn phát hành trái phiếu, ngoài ra còn có tư vấn thoái vốn, tư vấn niêm yết, tư vấn M&A…), trong quý 2/2021, TPS cũng là đơn vị Top 2 về thị phần môi giới trái phiếu trên HOSE. Song hành hai chân kiềng vững chãi là môi giới (đi kèm với sự phát triển của hoạt động cho vay margin) và tự doanh cũng ghi nhận kết quả rất khả quan.

Với sự chuyển mình mạnh mẽ, việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí niêm yết trên HOSE cho thấy quá trình tái cấu trúc TPS thành công, thể hiện quyết tâm và chiến lược của công ty trong việc khẳng định thương hiệu, lợi thế cạnh tranh, từng bước hiện thực hóa mục tiêu là một trong những công ty chứng khoán hàng đầu trên thị trường với các dịch vụ khác biệt.