27/12/2024

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa tổ chức buổi họp báo về triển vọng kinh tế châu Á. Trong đó có đề cập tới chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài chính của Việt Nam.

Cụ thể, theo đại diện ADB, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn ba lần, từ 6,0% xuống mức thấp kỷ lục 4,0%; lãi suất chiết khấu giảm từ 4,0% xuống 2,5%. Đồng thời, trần lãi suất huy động tiền VND kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng được giảm.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng hỗ trợ tín dụng thông qua cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện tại và áp dụng lãi suất ưu đãi cho các khoản vay mới đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Song, môi trường kinh doanh ảm đạm và tình trạng phá sản doanh nghiệp làm cho nhu cầu tín dụng sút giảm. Tính đến cuối năm 2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng ngân hàng ước tính vào khoảng 11,0% so với năm 2019, giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua. Trái lại, cung tiền ước tăng 12,6% trong năm 2020, cao hơn so với mức 12,1% trong năm 2019.

Thặng dư tài khoản vãng lai ước vào khoảng 4,6% GDP trong năm ngoái, hầu như không thay đổi so với năm 2019, dựa trên cơ sở mức thặng dư thương mại đáng kể, mặc dù dịch vụ và thu nhập ròng giảm.

Kim ngạch xuất khẩu tăng 7,0%, nhờ có các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, sự đa dạng hoá đối với các chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển hướng thương mại. Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, chủ yếu là điện thoại di động, linh kiện và hàng dệt may tăng 25,0%. Nhập khẩu tăng 3,6%, trong đó PRC vẫn là nguồn nhập khẩu lớn nhất, tiếp theo là Hàn Quốc và các nền kinh tế Đông Nam Á.

Thặng dư tài khoản tài chính giảm hơn một nửa xuống 3,1% GDP trong năm 2020, chủ yếu do sự sụt giảm dòng vốn vào từ vốn vay trung và dài hạn và đầu tư gián tiếp. “Vì lý do này mà thặng dư tổng cán cân thanh toán giảm mạnh xuống còn tương đương 6,1% GDP”, ADB nhấn mạnh.

Đáng chú ý, các chuyên gia tại ADB cho rằng, dự trữ ngoại hối Việt Nam đã tăng và ước đạt khoảng 4,2 tháng nhập khẩu vào thời điểm cuối năm 2020.

Thâm hụt tài khoá trong năm 2020 tăng lên mức ước tính 5,8% GDP. Thu ngân sách giảm 9,2% do giảm thương mại quốc tế, thu thuế GTGT và tổn thất từ sự sụt giảm giá dầu thô toàn cầu. Tổng chi ngân sách chỉ tăng 1,2%, vì phần lớn chi tiêu của chính phủ cho các chương trình an sinh xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng, ước tính tương đương 11,5% GDP được chi bằng nguồn kết dư từ các năm trước, nguồn dự phòng và các quỹ ngoài ngân sách. Nợ công ước tính tăng nhẹ lên 55,4% GDP trong năm 2020, so với mức 55,0% trong năm 2019.

Sang năm 2021, ADB cho rằng tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam sẽ được cải thiện bởi các đợt cắt giảm lãi suất trong năm trước và nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi.

“Ngân hàng nhà nước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán là 12,0% trong năm nay. Đồng thời cơ quan này đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho đến hết năm 2021 để hỗ trợ doanh nghiệp đang cố gắng đương đầu với tác động của đại dịch Covid-19”, ADB nêu chi tiết.

Song song, sự gia tăng trên thị trường chứng khoán và bất động sản từ cuối quý 1/2021, dự báo tỷ lệ nợ xấu tăng khi đại dịch qua đi và lạm phát tăng nhẹ trong năm 2020 mặc dù tăng trưởng giảm – tất cả những yếu tố này đều không ủng hộ cho việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới.

Tuy nhiên, đại diện ADB cũng cho rằng, chính sách tài khoá sẽ tiếp tục mở rộng do nhu cầu chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc y tế và tiêm vắc-xin, cũng như khả năng thực hiện hỗ trợ tài khoá bổ sung.

“Điều này có thể dẫn đến khả năng làm tăng thâm hụt tài khoá lên mức cao hơn mục tiêu bội chi ngân sách cho năm 2021 ở mức 4,0% GDP”, ADB dự báo.