Ngân hàng Nhà nước vừa giới thiệu nội dung tại Quyết định 2182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Quyết định trên có kế thừa, điều chỉnh và đặc biệt là bổ sung thêm nhiều nội dung mới so với trước.
Cụ thể, có 12 nội dung được kế thừa có chỉnh sửa về nội dung và giữ nguyên độ mật. Độ “Tuyệt mật” gồm Phương án, kế hoạch phát hành loại tiền mới chưa công khai; Đề án, kế hoạch đổi tiền và kết quả thu đổi tiền chưa công khai; Đề án, phương án và kế hoạch thiết kế, chế bản mẫu tiền chưa công khai.
Mức độ “Mật” gồm Phương án điều hành công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa đưa vào triển khai; Văn bản quy định ký hiệu bằng chữ và số các loại tiền và các giấy tờ có giá; Số liệu về xuất, nhập, tồn quỹ tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá của quỹ Dự trữ phát hành; số liệu về xuất kho, nhập kho tiền tiêu hủy, kế hoạch tiêu hủy tiền; báo cáo kết quả tiêu hủy tiền; Số liệu tuyệt đối về số lượng tiền giả thu giữ qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước; Báo cáo giám sát tài chính của Ngân hàng Nhà nước đối với Nhà máy in tiền Quốc gia; Bảng cân đối tài khoản kế toán, bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Đáng chú ý, kết quả Ngân hàng Nhà nước xếp hạng của các tổ chức tín dụng hàng năm chưa công khai vẫn thuộc diện “Mật”.
Theo quyết định trên, có 11 nội dung được kế thừa có chỉnh sửa về nội dung và điều chỉnh độ mật. Trong đó, 3 nội dung được kế thừa, điều chỉnh nội dung và giảm từ “Tuyệt mật” xuống “Tối mật”, thuộc nội dung về in đúc tiền.
Có 8 nội dung được kế thừa, điều chỉnh nội dung và giảm từ “Tuyệt mật” và “Tối mật” xuống “Mật” gồm: Số liệu tổng lượng tiền cung ứng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa công khai; Báo cáo tự kiểm tra về hoạt động an toàn kho quỹ của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Báo cáo kiểm toán nội bộ, báo cáo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động an toàn kho quỹ và quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; Biên bản kiểm tra tình hình quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Thông tin, tài liệu về kiểm soát đặc biệt ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân; Đề án cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng chưa công khai; văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin ý kiến các bộ, ngành và ý kiến của các bộ, ngành đối với nội dung Đề án cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền về nội dung Đề án cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng cũng thuộc nhóm nội dung quy định nói trên.
8 NỘI DUNG BỔ SUNG
Theo quyết định trên, có 8 nội dung được bổ sung vào Danh mục bí mật Nhà nước độ “Mật”, gồm:
. Nơi lưu giữ vàng vật chất thuộc Dự trữ ngoại hối Nhà nước ở trong nước
. Báo cáo kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nội dung liên quan đến số liệu in, đúc tiền đối với các cơ sở in, đúc tiền
. Báo cáo tài chính của Nhà máy in tiền Quốc gia
. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giám sát an toàn tài sản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại các Kho tiền Trung ương
. Kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính hàng năm và 5 năm của Nhà máy in tiền Quốc gia
. Số tiền, thời hạn tổ chức tín dụng đề nghị vay đặc biệt, đề nghị gia hạn vay đặc biệt chưa công khai; số tiền, thời hạn tổ chức tín dụng vay đặc biệt, gia hạn vay đặc biệt chưa công khai
. Thông tin, tài liệu về nguy cơ mất, nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, nguy cơ mất khả năng thanh toán
. Thông tin về cơ cấu lại, xử lý nợ xấu ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được xếp hạng yếu kém
Ngoài ra, theo quyết định trên, có các nội dung được đưa ra khỏi Danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực ngân hàng được ban hành kèm theo.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quá trình rà soát, xây dựng, một số nội dung tại các Danh mục trước đã được đưa ra khỏi Danh mục nhằm đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam và phù hợp với tình hình thực tế; tránh trùng dẫm với các danh mục bí mật Nhà nước do các cơ quan, bộ, ngành chủ trì, xây dựng.