25/12/2024

Trong số những người bị trừng phạt có cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, cựu cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, và cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Matt Pottinger – người được coi là kiến trúc sư quan trọng nhất của chính sách cứng rắn mà chính quyền Trump áp dụng với Trung Quốc.

Tổng số 28 cựu quan chức Mỹ và gia đình họ bị Trung Quốc trừng phạt lần này. Ngoài Trung Quốc đại lục, những người đó cũng không được đến Hong Kong hay Macau, trong khi bất kỳ công ty hay tổ chức nào liên quan đến họ cũng bị hạn chế hoạt động ở Trung Quốc.

Trong thông cáo đưa ra sáng 21/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng những cá nhân đó chịu trách nhiệm cho nhiều “hành động điên rồ” đã “can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, làm suy yếu các lợi ích của Trung Quốc, chống lại người dân Trung Quốc và cản trở nghiêm trọng quan hệ Trung – Mỹ”. Dù là người giám sát và luôn tự hào về chính sách cứng rắn với Trung Quốc, cựu tổng thống Donald Trump không bị Trung Quốc đưa vào danh sách này.

Trong danh sách trừng phạt còn có 3 cựu quan chức gần đây đã hoặc định thăm Đài Loan, gồm cựu bộ trưởng y tế và dịch vụ an sinh Alex Azar; Keith Krach, cựu thứ trưởng ngoại giao phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường; Kelly Craft, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc.

Ông David Stilwell, nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Trump về Đông Á, cũng nằm trong danh sách này.

Bắc Kinh trước đó đã thông báo trừng phạt các nghị sĩ và quan chức Mỹ nhưng hiếm khi nói rõ bản chất các biện pháp trừng phạt. Mặc dù vậy, những biện pháp chống lại các cựu quan chức Mỹ vừa hết nhiệm kỳ đánh dấu một thời kỳ vô cùng sóng gió giữa hai nước dưới thời Trump.

Sau khi ông Trump triển khai cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào tháng 7/2018, quan hệ hai nước tiếp tục mâu thuẫn nặng nề trong hàng loạt vấn đề khác như Tân Cương, Hong Kong và Biển Đông.

Thông báo trừng phạt của Bắc Kinh được đưa ra chỉ vài phút sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức. Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận nào.

Richard Boucher, người từng là nhà ngoại giao Mỹ phụ trách Hong Kong và Macau dưới thời Bill Cliton, nói rằng việc Bắc Kinh chờ chính quyền Trump hết nhiệm kỳ để thông báo trừng phạt là điều hợp logic.

“Các quốc gia thường không trừng phạt những quan chức đương nhiệm vì trong những tình huống căng thẳng nhất vẫn phải làm việc với họ. Những cá nhân đó có thể không đến hoặc làm ăn gì ở Trung Quốc. Nhưng thông điệp rất rõ ràng: Đừng đánh cánh cửa nếu muốn còn đường ra”, ông Boucher nói.

Trước khi nhậm chức, ông Biden hứa sẽ cứng rắn với Trung Quốc, và cho biết sẽ không ngay lập tức bỏ tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Ông Antony Blinken, người được đề cử làm ngoại trưởng Mỹ, vừa nói trong phiên điều trần của Quốc hội rằng ông đồng ý với cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền Trump, nhưng không ủng hộ một số cách làm.