Thị trường chứng khoán từng mất nhiều năm, đôi khi là hàng thập kỷ để hồi phục trở lại mức đỉnh trước đó, sau thời gian rơi vào “vùng” giá xuống. Tuy nhiên, sau đợt sụt giảm 34% hồi năm ngoái, Phố Wall hồi phục về mức cao kỷ lục trong trong 126 phiên giao dịch.
Ngoại trừ đợt hồi phục kéo dài 100 ngày sau khi sụt giảm mạnh vào đầu năm 2009, thì xu hướng trong năm nay chính là đà bứt phá nhanh nhất từ trước đến nay. Theo dữ liệu của Dow Jones Market Data, S&P 500 đã trải qua 26 lần giảm ít nhất 20% trong 9 thập kỷ qua. Trước đây, những đợt hồi phục lên mức đỉnh thường mất gần 3 năm.
Khi đầu tư, không ai muốn bị mất tiền nhưng phải chờ đợi hàng năm để lấy lại lợi nhuận. Một lần nữa, sự mất mát đó lại “gặp may” nhờ sự hứng khởi của những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro.
Trong cuộc khảo sát với sự tham gia của hơn 2.000 nhà đầu tư mà Vanguard Group đã thực hiện thường xuyên kể từ đầu năm 2017, công ty này đã đặt câu hỏi về khả năng thị trường rơi ít nhất 30% trong năm tới.
Tháng 2/2020, trước khi đại dịch ảnh hưởng đến toàn thế giới, nhà đầu tư đặt cược tỷ lệ chứng khoán Mỹ rơi vào thị trường “con gấu” chỉ ở mức trung bình là 4%. Đến tháng 4, ngay sau khi S&P 500 mất 1/3 giá trị, họ dự đoán tỷ lệ là 8%.
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi đó nhanh chóng tan biến. Đến tháng 12 năm ngoái, nhà đầu tư trong cuộc khảo sát này ước tính xác suất xảy ra đợt lao dốc tương tự trong 12 tháng tiếp theo chỉ là 5%. Con số này thấp hơn một chút so với ước tính trung bình trong 3 năm trước đại dịch.
Có thể thấy, dường như tốc độ hồi phục nhanh chóng đã xóa bỏ “nỗi đau” mà nhà đầu tư hứng chịu khi thị trường sụt giảm, hoặc sự lặp lại thậm chí còn khó xảy ra hơn. Theo đó, một con gấu xám hung dữ đã trở thành một con gấu bông.
Ngay cả đối với những nhà đầu tư theo phong cách Vanguard, dù rất thận trọng, cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro về lâu dài. Những người này thường đi theo triết lý của huyền thoại Jack Bogle, ông thường khuyên nhà đầu tư nên kiên nhẫn và cảnh báo rằng thị trường đầy rẫy rủi ro. Nếu có ai trải qua đợt sụt giảm vừa qua mà không gặp quá nhiều sự chấn động, thì đó chính là những người tham gia cuộc khảo sát này. Họ thường ở độ tuổi 60, với khoảng 225.000 USD đầu tư vào Vanguard, 70% trong số đó đầu tư vào cổ phiếu.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ nhóm nhà đầu tư này đều trải qua thời gian biến động trong yên bình. Có một nhóm nổi bật trong cuộc khảo sát này, đó là những người bước vào năm 2020 với kỳ vọng rất cao về lợi nhuận. Cuối cùng, họ phải thoái vốn mạnh hơn trong đợt lao dốc hồi tháng 2 và tháng 3/2020, so với những người đặt ra kỳ vọng thấp hơn. Sau đó, họ lại có xu hướng quay trở lại và mua lại phần lớn cổ phiếu vừa bán, nhất là khi thị trường tăng vọt.
Theo đó, nhà đầu tư ở những thị trường khác dường như cũng đưa ra kết luận rằng sự hồi phục này không có bất kỳ mối rủi ro nào. Sau đà tăng hồi mùa xuân năm ngoái, Dave Portnoy – một KOL, đã tuyên bố rằng “Thị trường chỉ tăng giá!” thường xuyên, đến mức câu nói này đã trở thành một điều giống như… thần chú.
Trong năm qua, hầu như tất cả các cổ phiếu đều tăng giá. Động lực thúc đẩy phần lớn là Fed hỗ trợ thị trường bằng cách hạ lãi suất về gần mức 0 và mua hơn 2,5 nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ kể từ tháng 2/2020, cùng những biện pháp can thiệp quy mô lớn khác. Trong khi đó, chính phủ Mỹ cũng bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế.
Các nhà quản lý quỹ đã nhiều lần phàn nàn về việc những chính sách này đang “bóp méo” thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ đơn giản làm theo câu ngạn ngữ của Phố Wall: Đừng đi ngược lại với Fed. NHTW đang thúc đẩy thị trường bằng thanh khoản, vậy tại sao không mua vào và sợ hãi về một đợt lao dốc khác?
Ngoài ra, các quỹ ngày mục tiêu (target-date funds) liên tiếp đổ tiền vào TTCK, với dòng vốn vượt quá 2,8 nghìn tỷ USD, theo Morningstar. Trong năm 2020, nhà đầu tư đã rót 52 tỷ USD vào các quỹ này. Sự phổ biến của các danh mục đầu tư kiểu này đã giúp những đợt giảm giá của thị trường có thể tự điều chỉnh. Càng nhiều cổ phiếu rớt giá, thì quỹ target-date phải mua vào càng nhiều. Nếu không, danh mục đầu tư của các quỹ này sẽ chứng kiến tỷ lệ cổ phiếu bắt buộc giảm xuống mức thấp hơn so với các loại tài sản khác.
Tuy nhiên, những diễn biến này không có nghĩa là “con gấu nâu” đã hoàn toàn biến thành “gấu bông”.
Trong những năm 1980, một chiến lược gọi là “bảo hiểm danh mục đầu tư” (portfolio insurance) được thực hiện nhằm loại bỏ các khoản lỗ. Tuy nhiên, chiến lược này cũng không thể trụ vững khi thị trường giảm hơn 20% vào ngày 19/10/1987. Cuối những năm 1960, “làn sóng” tiền từ các quỹ hưu trí đã đẩy thị trường lên cao, nhưng sau đó rớt 45% trong giao đoạn 1973-1974. Còn ở những năm 1920, “kỷ nguyên mới” của những đột phá công nghệ khiến nhà đầu tư không còn thận trọng, cho đến khi thị trường mất 89% giá trị.
Tham khảo WSJ