29/12/2024

Các chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo phân tích ngành ngân hàng với điểm nhấn nâng khuyến nghị từ trung lập lên khả quan với ngành này năm 2022. 

Cổ phiếu của ngành ngân hàng tăng bình quân 36,6% trong năm 2021, cao hơn 2,8% so với chỉ số VN-Index. Các cổ phiếu có hiệu suất cao nhất bao gồm SSB, TPB, LPB, MSB và VPB, với mức tăng giá trên 90% so với đầu năm. Các cổ phiếu tăng khoảng 50%-90% bao gồm MBB, TCB, STB, OCB, VIB và SHB. Các ngân hàng thương mại nhà nước có mức tăng giá kém khả quan trong năm 2021.

Quý 4 tín dụng tăng ròng 450.000 tỷ, năm 2022 dự báo tăng 14-15%

Báo cáo cho hay, năm 2022, tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng mạnh hơn và triển vọng tươi sáng từ các dịch vụ thu phí.

Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ mạnh hơn năm 2021 xuất phát từ cả phía cung và cầu. Nhu cầu tín dụng, đặc biệt là từ các khách hàng doanh nghiệp khá mạnh trong quý 4/2021, khi các hoạt động kinh doanh bắt đầu gia tăng trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. 

“Chúng tôi ước tính tổng tín dụng tăng ròng khoảng 450 nghìn tỷ đồng riêng trong quý 4/2021 (so với 724 nghìn tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2021). Đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục duy trì trong 2022. Nhu cầu vay cũng lan toả đến mảng bán lẻ cùng với đà hồi phục của nền kinh tế”, báo cáo của SSI nhận định.

Về phía cung, các chỉ tiêu an toàn vốn tại TPB và VPB tăng lên sau đợt phát hành riêng lẻ và thoái vốn công ty con trong năm 2021. BID, VCB, MBB, VPB, OCB, LPB, SHB, MSB và HDB cũng có thể cải thiện vị thế vốn nếu kế hoạch phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công trong năm 2022. Do đó, SSI ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 dao động trong khoảng 14% -15%, cao hơn năm 2021. Tuy nhiên, cơ cấu tín dụng có thể được điều chỉnh do việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể giảm với sự quản lý chặt chẽ hơn.