TTCK Việt Nam vừa bước đi qua năm 2021 với mức tăng trưởng ấn tượng gần 36% của chỉ số VN-Index. Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm qua, liệu đà tăng có thể duy trì xung lực sang năm 2022 hay không là điều được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này.
Chia sẻ về quan điểm đầu tư, ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết trong năm 2022, thị trường chứng khoán sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố như Tiêu dụng nội địa hồi phục; Các gói hỗ trợ kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như làn sóng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường mạnh mẽ. Dù vậy, rủi ro trong năm 2022 có thể đến từ việc lạm phát gia tăng; các ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhanh hơn ước tính hay việc thu hẹp chính sách tiền tệ tại các thị trường lớn, kéo theo việc dòng tiền rút khỏi các loại tài sản rủi ro.
Về câu chuyện các doanh nghiệp niêm yết, ông Cường dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 có thể chậm lại nhưng tổng thể toàn thị trường vẫn duy trì mức tăng khoảng 8% so với cùng kỳ sẽ là yếu tố tích cực giúp tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư mới duy trì tâm lý lạc quan vào thị trường.
Trong năm qua, làn sóng nhà đầu tư “F0” đóng vai trò quan trọng cho đà tăng trưởng thị trường. Nhóm nhà đầu tư này có thể tạo ra một làn sóng và xu hướng đầu tư mới theo một cách thức tiếp cập khác với trước đây. Ông Cường cho rằng đừng bao giờ đánh giá thấp nhà đầu tư F0, đặc biệt là các nhà đầu tư trang bị đủ nguồn lực và kiến thức, công cụ tài chính và sức mạnh có thể làm thay đổi bất cứ xu hướng nào của thị trường.
Với dòng vốn ngoại, mặc dù vừa có năm bán ròng kỷ lục hơn 60.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm qua, tuy nhiên ông Cường kỳ vọng khối ngoại sẽ trở lại trong năm 2022 nhờ (1) Khả năng mở rộng FOL trong lĩnh vực ngân hàng; (2) huy động vốn từ các tập đoàn tư nhân cho các lĩnh vực mới, và (3) sự chú ý từ cộng đồng đầu tư quốc tế khi quy mô vốn hóa thị trường đạt mức vượt hơn 100% GDP và khả năng nâng hạn lên thị trường mới nổi.
VN-Index có thể cán mốc 1.750 điểm trong năm 2022
Về định giá thị trường, ông Cường cho rằng mức định giá VN-Index hiện vào khoảng 17,5 lần, không còn quá hấp dẫn, cùng với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết bắt đầu chậm lại trong
năm 2022, các yếu tố có thể sẽ tác động tiêu cực đến quyết định của các nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, xét trong chu kỳ dài hạn hơn cho mục tiêu 12 tháng tới hoặc dài hơn, thị trường chứng khoán không thể nằm ngoài tác động bởi những nền tảng tích cực và nội tại tốt của kinh tế Việt Nam, chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khoá mở rộng, đặc biệt thu hút rất nhiều dòng tiền của nhà đầu tư mới tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán được dự báo còn rất tiềm năng và kỳ vọng tạo thành một xu hướng mới trong lĩnh vực đầu tư.
Dựa trên các số liệu phân tích các yếu tố định lượng từ thị trường, chính sách tiền tệ nới lỏng và tài khoá mở rộng cũng như xu hướng phân bổ dòng tiền của các nhà đầu tư toàn cầu và các quỹ mô phỏng chỉ số ETFs, cùng các giả định (i) tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các công ty niêm yết đạt 8% y/y, (ii) lãi suất tiếp tục ở mức thấp hoặc giảm 0,5% với tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13% cho năm 2022, và (iii) dòng tiền nhà đầu tư mới tiếp tục rất tích cực trên thị trường, ông Cường đánh giá xu hướng tăng điểm tích cực sẽ tiếp tục duy trì trên thị trường chứng khoán và VN-Index đạt mức 1.750 điểm, tương ứng mức tăng 17%.
Trong kịch bản lạc quan, chuyên gia TPS dự báo VN-Index có thể tăng 27%, lên mốc 1.910 điểm. Dù vậy, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể lùi xuống 1.340 điểm trong năm 2022.