27/12/2024

Trong “cơn điên sốt đất” từ đầu năm đến nay, nhiều toạ đàm đọc vị lý do sốt đất được diễn ra liên tục và các chuyên gia, luật sư, doanh nghiệp cùng bàn về giải pháp ngăn chặn sốt đất gây cản trở kinh tế…

CÓ LỢI ÍCH NHÓM “NHÚNG TAY”?

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Văn Bình, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Tổng cục Quản lý đất đai) phát biểu tại toạ đàm “Giải mã cơn sốt đất” tổ chức cuối tuần, cho rằng, cơn sốt đất lần này có nhiều nguyên nhân mà yếu tố đầu tiên là do quy hoạch.

Trước đây khi chưa có Luật Quy hoạch, chúng ta có các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương với các kì khác nhau. Nhưng lần này khi có Luật Quy hoạch, các địa phương và trung ương đồng bộ thống kê hiện trạng để hoạch định ra các kịch bản cho tương lai. Do đó, khi các thông tin về việc dự kiến xây dựng công trình, quy hoạch khu đất mới được đưa ra bàn thảo, người dân sẽ phát sinh tâm lý đất ở khu vực nào đó có giá, trong khi các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng về đất ở khu vực quy hoạch.

Đã có ý kiến đặt ra liệu rằng có lợi ích nhóm trong việc đầu cơ, thổi giá bất động sản? Trả lời vấn đề này, ông Lê Văn Bình khẳng định, nhà nước luôn cố gắng đưa ra những dự kiến quy hoạch tốt nhất cho người dân nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp phải nhiều vấn đề.

Đồng thời, việc quy hoạch phải trải qua nhiều quá trình, nhiều ban ngành với trình tự thủ tục chặt chẽ, với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân. “Do đó không thể có chuyện một doanh nghiệp, cá nhân có khả năng chi phối bất động sản được”, ông Bình nói.

Đồng quan điểm, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng, quy hoạch rất nhiều bước, rất phức tạp. Lợi ích nhóm thường sẽ xuất hiện ở giai đoạn điều chỉnh quy hoạch. Lúc này, hội đồng quy hoạch phê duyệt ban đầu biến mất và chỉ còn lại hệ thống chính quyền. Doanh nghiệp khi được bật đèn xanh sẽ lập tức nhảy vào vì lợi nhuận vô cùng lớn. “Sự điều chỉnh quy hoạch là một lỗ hổng trong quy hoạch, xuất hiện lợi ích nhóm, nhà đầu tư “thò tay” can thiệp và quy hoạch của nhà nước”, ông Tùng nhấn mạnh.