27/12/2024

Có rất nhiều biện pháp khác nhau được đưa ra. Trong đó, “dập” nhanh là các văn cảnh báo, chỉ đạo khẩn từ các địa phương có sốt đất ảo. Sau đó, là hàng loạt các ý kiến đề xuất, kiến nghị để cơn sốt đất khó tái diễn lại, hoặc ít ra là tránh những cơn sốt “bất thình lình”. Cùng với dịch Covid-19 lần 4 diễn biến phức tạp, theo các chuyên gia trong ngành, từ giờ đến cuối năm, thị trường sẽ rất khó để có đợt sốt đất xuất hiện.

Mới đây, Bộ Xây dựng thông báo, cơn sốt đất nền tại nhiều khu vực đã được kiểm soát. Tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch. Cùng với thông báo này thì Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo các các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần có sự theo dõi kiểm soát sát sao để tránh tình trạng “sốt” đất nền lan rộng, dẫn đến mất kiểm soát, trở thành “bong bóng” BĐS.

Trước khi cơn sốt đất nền có dấu “hạ nhiệt” trên cả nước nhiều Bộ đã cùng ngồi lại với nhau để tìm cách “trị” sốt đất. Trong đó, Bộ xây dựng và Bộ Tài nguyên & Môi trường đã đồng loạt yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất. Ngày 30/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh cơn sốt đất. 

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Quản lý đất đai kiểm tra 26 tỉnh việc thực hiện quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Riêng tại Hà Nội, Tp.HCM, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng…