Ngày 15/2 tới, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ hai.
Trước thềm đại hội này, cổ đông nhỏ lẻ, nhà đầu tư, giới quan sát có thể kỳ vọng vào khả năng thành công, hoặc lại thất vọng như những lần thất bại nhiều năm qua.
Về những khả năng đó, BizLIVE tham vấn một số nguồn tin và chuyên gia. Có nguồn tin dự tính khả năng đại hội thành công. Nhưng có chuyên gia am hiểu lại cho rằng rất khó để đạt được kết quả đó.
“Hiện có 4 nhóm cổ đông lớn, cùng với cổ đông chiến lược nước ngoài – SMBC – là 5. Theo tôi thấy những gì đã xảy ra, ngoài SMBC, 4 nhóm kia đều không bên nào chịu bên nào. Tựu trung, họ đầu tư vào Eximbank 1 nhưng lại muốn được 3-4”, chuyên gia BizLIVE tham vấn nêu góc nhìn.
Theo chuyên gia này, cũng là người có nhiều năm làm lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, bản chất cuộc chiến tại Eximbank là lợi ích. Những năm qua và hiện tại còn thiếu minh chủ để phân chia hoặc hài hòa được lợi ích cho các bên.
Để hòa giải cuộc chiến đã xảy ra nhiều năm qua, có một hướng có thể đạt được nếu xuất hiện nhân tố mới, đứng ra cầm trịch. Hướng này giống như tại Sacombank với vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ông Dương Công Minh vào làm Chủ tịch HĐQT Sacombank. Song, lại chưa có.
Hướng xử lý khác, vai trò của NHNN. Theo chuyên gia trên, suốt nhiều năm qua, cuộc chiến đã xảy ra nhưng NHNN không thể xử lý, không thể hòa giải. “Cá nhân tôi cảm thấy NHNN chưa thể hiện được trách nhiệm. Nói như trong đời thường, có vụ việc đánh nhau, người ta gọi hoặc chờ đợi công an đến để xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Có người cho rằng, có thể công an quan sát, chờ kết cục đánh nhau như thế nào rồi mới xử lý(?)”.
Có thể nhìn về hiện trạng Eximbank hiện nay như vậy. Song, khi chờ được kết cục cuối cùng thì một ngân hàng thương mại có thể đã suy sụp hẳn, không chừng phải tái cơ cấu bắt buộc, dù trước đó và hiện tại không gặp những vấn đề tài chính quá lớn phải tái cơ cấu như một số nhà băng khác.
Theo đó, nếu chờ kết quả ngã ngũ, chi phí để vực dậy Eximbank sẽ càng đắt đỏ. Đó là chưa nói đặt trong tổng thể vị thế các ngân hàng thương mại khác đã có.
Ví như, cách đây dăm năm, tổng tài sản của một ngân hàng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đạt hơn 160.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam khi đó vào khoảng 250 – 300 tỷ USD; còn nay, tổng tài sản vẫn không mấy thay đổi, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt 600 tỷ USD và hướng tới 700 tỷ USD.
Eximbank, cạnh tranh là không chờ đợi.
Không thành viên nào trong hệ thống dừng lại để chờ Eximbank cả. Từ một thành viên top 5 NHTMCP tư nhân, thành viên đầy lận đận này hiện tụt xuống gần với nhóm nhỏ nhất; dĩ nhiên, hơn phân nửa hệ thống đã vượt xa.
Một số cán bộ nhân viên cũ của Eximbank trò chuyện bên lề với BizLIVE, họ đau lòng và không muốn nghe, không muốn nhắc đến mái nhà họ từng gắn bó và yêu quý trước đây nữa.
Đó là sự đắt đỏ khó lường để nhà băng 33 tuổi này trở lại cuộc đua cạnh tranh; sẽ càng đắt đỏ hơn nếu phải tái cơ cấu bắt buộc khi cuộc chiến tiếp tục kéo dài với nhiều thương tổn.
Với cổ đông, với những nhóm nhà đầu tư lớn, chi phí cho cuộc chiến này cũng ngày càng đắt đỏ.
Chuyên gia nói trên nhìn nhận, trong những nhóm nhà đầu tư đó không loại trừ việc sở hữu cổ phần Eximbank bằng vốn vay. Với vốn vay, càng kéo dài chi phí càng đắt đỏ. Và nếu quá lâu dài khiến họ không trả được vốn vay ngân hàng, câu chuyện sẽ có thêm ngã rẽ về hình sự; khi đó, không còn là đắt đỏ nữa mà phải trả giá đắt.
Đó là những tình huống chi phí có thể nhìn đến, có phần đã và đang hiện thực. Và chưa phải là tất cả.
Một chi phí khó đong đếm khác được nhìn nhận về giá trị môi trường đầu tư.
SMBC (nhà đầu tư Nhật Bản) là cổ đông chiến lược của Eximbank gần 15 năm qua. Một nhà đầu tư tầm cỡ thế giới đã và đang nhận được những gì khi đầu tư vào Việt Nam?
Gần đây một số thông tin được truyền thông đề cập đặt ra khả năng SMBC “buông tay”. Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại khi trao đổi với BizLIVE, không loại trừ cổ đông nước ngoài này quá chán nản mà ra đi.
“Nếu SMBC ra đi, họ đã bị tước mất cơ hội tham gia tái cơ cấu Eximbank hoặc thúc đẩy ngân hàng phát triển hơn. Cái giá họ bỏ ra cũng đáng chú ý. Nhưng lớn hơn, cái giá cả hệ thống ngân hàng Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam với môi trường đầu tư phải trả cũng đắt, khi để xảy ra một cuộc chiến khiến ngân hàng sa lầy và nhà đầu tư nước ngoài chán nản, nhà đầu tư bị tước cơ hội lẽ ra họ sẽ đóng góp tốt hơn cho ngân hàng đó, cho ngành và rộng hơn là cho nền kinh tế”, vị lãnh đạo ngân hàng thương mại trên nêu quan điểm.
Cũng theo băn khoăn của người quan sát này, cho đến nay “ông trọng tài” NHNN vẫn chưa rút ra thẻ vàng, thẻ đỏ nào mang tính quyết định cục diện trận đấu kéo dài nhiều năm qua. Nếu vậy, đó vẫn là một trận đấu đẹp?