26/12/2024

Các cơ sở sản xuất, nhà máy điện và trang trại của Trung Quốc đang cảm nhận được những tác động tồi tệ nhất từ làn sóng tăng giá hàng hóa – thứ cho đến nay vẫn chưa chạm đến ví tiền của người dân.

Theo công ty Henan Qixing Copper, các công ty sản xuất đồ điện tử đang bị chùn bước trước hiện tượng giá nguyên vật liệu thô biến động quá mạnh và đang bắt đầu cắt giảm một số phụ tùng. Đây chính là “cú đấm kép” vào các nhà cung ứng phụ tùng kim loại vốn đang phải chịu trận trước giá đồng tăng cao kỷ lục.

“Đó là bài kiểm tra lớn về nguồn vốn của các công ty”, Hai Jianxun, giám đốc bán hàng của Qixing, 1 công ty chế tạo đồng cỡ trung cho hay. Theo ông, tình cảnh hiện nay yêu cầu phải tăng vốn mạnh mẽ mới có thể duy trì hoạt động.

Gần đây chính phủ Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực kiểm soát giá hàng hóa để ngăn chặn lạm phát. Những biện pháp can thiệp khoa trương của các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và các sàn giao dịch đã đạt được một số thành công trong việc hạ nhiệt thị trường. Giá nhiều loại nguyên liệu đã rời khỏi mức đỉnh kỷ lục. Tuy nhiên, nhiều công ty trong chuỗi cung ứng vẫn không tránh khỏi rắc rối tài chính.

Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc đã giảm nhẹ trong tháng 5, 1 dấu hiệu cho thấy có lẽ tăng trưởng đã đạt đỉnh. Chi phí đầu vào tăng lên mức cao nhất kể từ 2010, khiến các doanh nghiệp nhỏ ngã quỵ.

Gần đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm tới thành phố Ningbo ở duyên hải phía Đông. Một công ty sản xuất đồ điện gia dụng tại đây than phiền rằng giá nguyên liệu tăng cao gây ra áp lực rất lớn. Một công ty khác kiến nghị chính phủ hãy hỗ trợ nhiều hơn.

Trong khi chỉ số giá sản xuất tăng vọt thì giá tiêu dùng – thứ mà NHTW quan tâm nhất khi tính toán chính sách tiền tệ – lại bình thản hơn với mức tăng rất nhẹ. Điều đó có nghĩa là chuỗi cung ứng đã hấp thụ hết đà tăng giá thay vì chuyển gánh nặng sang người tiêu dùng. Lợi nhuận thặng dư của doanh nghiệp bị ăn mòn.