Vàng đã bị mất dần sức hấp dẫn kể từ sau khi giá đạt đỉnh cao 2.084 USD/ounce vào tháng 8/2020, trong bối cảnh nhiều cường quốc trên thế giới đang dần thoát ra khỏi đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, vào ngay lúc này, các nhà đầu tư bắt đầu tin rằng đã đến thời điểm tốt nhất để mua vàng vào bởi việc nhiều người quay lưng với vàng đã khiến giá giảm rất nhiều và bạn có thể mua được với giá hời. Sau đó, chỉ cần ngồi chờ đến khi gió đổi chiều, thị trường vàng tưng bừng trở lại và giá sẽ tăng lên.
Có thể nói, kim loại quý này đã luôn làm tốt sứ mệnh là nơi trú ẩn an toàn truyền thống, tăng giá trị tài sản cho nhà đầu tư khi họ từ bỏ thị trường chứng khoán đầy biến động.
Những đột phá về vắc xin chống Covid-19 vào tháng 11 năm ngoái là chất xúc tác tuyệt vời cho thị trường chứng khoán, khi các nhà đầu tư ồ ạt quay trở lại với các tài sản mạo hiểm, nhưng lại là tin xấu đối với vàng.
Giá vàng đã giảm xuống chỉ 1.685 USD/ounce vào ngày 31/3/2021, thấp hơn 20% so với lúc đỉnh cao vào tháng 8/2020.
Kể từ sau đó, giá đã hồi phục dần. Ngày 21/5/2021, giá vàng giao ngay đạt 1.877,7 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 6/2021 đạt 1.879,9 USD/ounce. Tuy nhiên, những mức giá này vẫn thấp xa so với mức đỉnh cao hồi năm ngoái.
Có 2 lý do giải thích tại sao giá vàng sẽ tăng hơn nữa.
Thứ nhất, kim loại quý là một “tấm khiên truyền thống” chống lại lạm phát – lạm phát đang có xu hướng quay trở lại.
Lạm phát tại Mỹ tuần đầu tháng 5/2021 đã tăng lên mức gây sốc, 4,2%, cao hơn nhiều so với mức dự đoán là 3,6%. Lạm phát ở Mỹ có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa sau khi Tổng thống Joe Biden tung thêm 6 nghìn tỷ USD kích thích kinh tế.
Thứ hai, giá vàng thường tăng khi thị trường chứng khoán sụp đổ. Chỉ số S&P 500 của các chứng khoán hàng đầu của Mỹ lần đầu tiên vượt qua mức 4.000 vào đầu tháng 4, nhưng hiện được cho là đã ở mức quá cao khi mà số liệu về tăng trưởng việc làm ở Mỹ gây thất vọng và nguy cơ lạm phát sẽ còn tăng nóng hơn nữa.
Trong những ngày gần đây, chứng khoán Mỹ trồi sụt rất mạnh, còn vàng thì liên tục đi lên, đặc biệt là trước và cả sau khi Ủy ban Thị trường mở của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 4, trong đó một số quan chức của Fed đã thể hiện quan điểm cần sẵn sàng xem xét các thay đổi đối với CSTT dựa trên sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ liên tục. “Một số thành viên đề xuất rằng, nếu nền kinh tế tiếp tục đạt được tiến bộ nhanh chóng đối với các mục tiêu của Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) thì vào một thời điểm thích hợp nào đó trong các cuộc họp chính sách sắp tới, có thể cần bắt đầu thảo luận về kế hoạch điều chỉnh tốc độ mua tài sản”, biên bản cuộc họp cho biết.
Theo Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường thuộc Think Markets, vàng không phải lúc nào cũng hoàn thành vai trò truyền thống là bảo vệ nhà đầu tư chống lại lạm phát đang gia tăng và thị trường chứng khoán trồi sụt.
Nhược điểm lớn của việc nắm giữ vàng là nó không đem lại lợi nhuận bằng lãi suất hay cổ tức, trái ngược với tiền mặt, trái phiếu hoặc cổ phiếu. Song gần đây, điều đó không còn là trở ngại nữa, khi những “thiên đường” trú ẩn an toàn đối thủ như tiền mặt và trái phiếu gần như không mang lại lợi nhuận nào cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, lạm phát lại đang gia tăng khiến lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên, với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 20 năm tăng gấp 3 lần trong vòng một năm qua, lên 1,69%, và nhiều nhà phân tích dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 2,5%.
Khi các nhà đầu tư nhận được lợi tức cao hơn từ trái phiếu, “điều này khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn, do đó người giữ vàng đã bán bớt một chút vàng, cùng với các tài sản rủi ro”, và đó là lý do có thời điểm giá cả vàng và chứng khoán đều giảm, ông Razaqzada cho biết.
Điều kỳ lạ là, vàng hiện có điểm chung với các cổ phiếu công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Alphabet, chủ sở hữu của Google, Facebook và Netflix. Không có công ty nào trong số này trả thu nhập từ cổ tức, vì những cổ phiếu này không trả cổ tức, trong khi Apple và Microsoft có lợi nhuận dưới 1%.
Theo ông Razaqzada, hai loại tài sản rất khác nhau này có thể gặp khó khăn như nhau nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng.