Tỷ giá quay đầu giảm
Sau khi lập đỉnh trong ngày 24-25/2, tỷ giá trung tâm liên tục được nhà điều hành giảm kể từ ngày 26/2 đến nay. Phiên giao dịch cuối tuần qua là phiên thứ 8 liên tiếp tỷ giá trung tâm được điều chỉnh giảm với mức giảm là 6 VND/USD. Tính chung trong 8 phiên này, tỷ giá trung tâm đã giảm tổng cộng 46 VND/USD, từ mức 23.243 VND/USD xuống còn 23.197 VND/USD, tương đương giảm gần 0,2%. Vì thế so với thời điểm cuối năm 2019, hiện tỷ giá trung tâm chỉ còn tăng có 42 VND, tương đương tăng khoảng 0,18%.
Với biên độ +/-3%, hiện tỷ giá trần là 23.893 VND/USD, còn tỷ giá sàn là 23.914 đồng/USD. Trong khi hiện cuối tuần qua, Sở Giao dịch NHNN đang niêm yết giá bán ra đồng bạc xanh ở mức 23.843 VND/USD, thấp hơn tỷ giá trần 50 VND; còn giá mua vào vẫn được giữ ổn định ở mức 23.175 VND/USD.
Giá mua bán USD tại các nhà băng cũng liên tục được điều chỉnh giảm qua các phiên vừa qua theo tỷ giá trung tâm. Cuối tuần qua, giá mua vào đồng bạc xanh của các nhà băng chỉ xoay quanh 23.120 VND, giảm 60 VND so với ngày 25/2; trong khi giá bán ra giảm tới 70 VND, xoay quanh mức 23.270 VND. So với thời điểm cuối năm 2019, giá mua – bán đồng bạc xanh của các ngân hàng chỉ cao hơn khoảng 40 đồng, tương đương tăng khoảng 0,17%.
Nguyên nhân khiến tỷ giá trong nước giảm trong mấy phiên gần đây là do đồng USD trên thị trường thế giới cũng quay đầu giảm mạnh trước kỳ vọng FED tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế chống lại dịch COVID-19. Đà giảm của USD càng thêm mạnh hơn sau khi FED bất ngờ cắt giảm mạnh lãi suất cho vay qua đêm tới 50 điểm cơ bản xuống còn 1-1,25% vào ngày 3/3 vừa qua và dự kiến sẽ còn cắt giảm thêm tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 17-17/3 tới.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, một chuyên gia tài chính phân tích, cán cân thương mại thâm hụt gần 200 triệu USD trong 2 tháng đầu năm nay, trong khi giải ngân vốn FDI cũng giảm 5% so với cùng kỳ năm trước khi chỉ đạt 2,5 tỷ USD, thậm chí vốn FII giảm tới 84% chỉ ở mức 827 triệu USD… “Nguồn cung ngoại tệ hạn hẹp, trong khi đồng USD tăng giá mạnh trong tháng đầu năm đã tạo sức ép lớn đến tỷ giá trong nước. Nay sức ép đó đã được cởi bỏ khi USD quay đầu giảm mạnh”, ông cho biết.
Thu hẹp khoảng cách với CNY
Đáng chú ý là đà giảm của tỷ giá trong nước không theo kịp với sự lao đốc của đồng USD trong thời gian gần đây. Quả vậy, sau khi lập đỉnh 2,5 năm là 99,86 điểm vào ngày 20/2, chỉ số đồng USD đã quay đầu giảm mạnh liên tục trước kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất. Hiện chỉ số USD đã rơi xuống quanh 96,25 điểm, tức giảm hơn 3,6% so với mức đỉnh thiết lập ngày 20/2. Trong khi đó, như đã phân tích ở trên, trong khoảng thời gian này, tỷ giá trong nước chỉ tăng gần 0,2%. Rõ ràng việc kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá một cách linh hoạt, thận trọng của NHNN đã giúp thị trường tiền tệ – ngoái hối trong nước ổn định trước những tác động bất lợi của dịch COVID-19.
Ông Ngô Đăng Khoa – Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam, cho biết cặp tỷ giá USD/VND hạ nhiệt theo xu hướng chung của thế giới, trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục được duy trì ổn định ở mặt bằng tương đối thấp nhờ thanh khoản thị trường dồi dào. “Việc duy trì ổn định tỷ giá đã vô hình chung giúp VND thu hẹp khoảng cách với các đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là nhân dân tệ (CNY)”, ông Khoa nhấn mạnh.
Số liệu thống kê của NHNN cũng cho thấy rõ điều đó. Nếu như trong giai đoạn từ 27/2 đến 4/3/2020, 1 CNY chỉ đổi được 3.311,77 VND thì từ ngày 5/3, 1 CNY đổi được 3.352,21 VND. Có nghĩa VND đã mất giá khoảng 1,22% so với CNY trong thời gian này.
“VND mất giá so với CNY sẽ có lợi cho hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu mạnh vì dịch COVID”, ông Khoa cho biết.