27/12/2024

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giai đoạn từ ngày 29/12/2021 đến ngày 10/1/2022, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 4,48 nghìn chuyến bay, vận chuyển hơn 547 nghìn khách với hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 64%.

Nhu cầu hành khách đi trên đường bay TP Hồ Chí Minh – Hà Nội và từ TP Hồ Chí Minh đi/đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc trong giai đoạn này tăng mạnh trở lại với hệ số sử dụng ghế đều đạt trên 70%. Các hãng cũng đã khai thác hết số lượng chuyến bay đã được phân bổ.

Theo đó, đường bay TP Hồ Chí Minh – Hà Nội, các hãng khai thác với tổng tần suất 25 chuyến bay khứ hồi/ngày với hệ số sử dụng ghế đạt 73%. Đường bay TP Hồ Chí Minh đi/đến Đắc Lắk, các hãng khai thác với tổng tần suất 9 chuyến bay khứ hồi/ngày, hệ số sử dụng ghế đạt 85%.

Các đường bay từ TP Hồ Chí Minh đi/đến Lâm Đồng, Hải Phòng, Huế, Gia Lai, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình và Nghệ An khai thác với tổng tần suất 9 chuyến bay khứ hồi/ngày, hệ số sử dụng ghế trên các đường này đều đạt trên 70% (tháng 12/2021 chỉ đạt khoảng 50 – 60%).

Theo báo cáo từ hệ thống đặt giữ chỗ của các hãng hàng không, tỷ lệ khách đặt giữ chỗ trên các đường bay TP Hồ Chí Minh-Hà Nội và từ TP Hồ Chí Minh đi/đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc tăng trở lại, trái ngược so với dự đoán trước đó của các hãng hàng không.

Tỷ lệ hành khách đặt giữ chỗ trên hệ thống của các hãng đều trên 50%; trong đó, có những thời điểm tỷ lệ này còn lên đến trên 90%.

Đặc biệt, chặng bay TP Hồ Chí Minh -Vinh (Nghệ An) của Vietjet Air đạt 91% vào ngày 18/1/2022 và Vietnam Airlines đạt 92% vào ngày 22/1/2022. Chặng bay TP Hồ Chí Minh – Thanh Hóa, tỷ lệ đặt giữ chỗ của Bamboo Airways cao nhất là 87%, Vietjet Air cao nhất là 89% và Vietnam Airlines là 74% hay chặng bay TP Hồ Chí Minh- Huế của Vietnam Airlines có tỷ lệ đặt giữ chỗ cao nhất đạt 77% (thời điểm ngày 6/2/2022 đạt 100%), của Vietjet Air cao nhất đạt 85%.

Với kết quả khai thác thời gian vừa qua và tỷ lệ đặt chỗ cho giai đoạn Tết Nguyên đán, có thể thấy nhu cầu đi lại của nhân dân từ TP Hồ Chí Minh về các địa phương trong cả nước vào giai đoạn Tết Nguyên đán đã tăng trở lại và cần được đáp ứng”, đại diện Cục hàng không Việt Nam cho hay.

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, đối với đường bay trục và các đường bay từ Hà Nội đi/đến các địa phương khác, tỷ lệ đặt giữ chỗ của hành khách vẫn còn thấp. Tỷ lệ đặt giữ chỗ trên đường bay TTP Hồ Chí Minh – Hà Nội chỉ đạt ở mức trên 30%. Bên cạnh đó, giá vé máy bay Tết thời điểm này vẫn ở mức thấp so năm ngoái, do vậy việc tăng tải cung ứng trên các đường bay trục và các đường bay từ Hà Nội đi/đến các địa phương khác sẽ được xem xét khi có nhu cầu.

Theo Quyết định 2233/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về triển khai đường bay nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 giai đoạn Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 19/1/2022 đến 16/2/2022), tần suất khai thác được điều tiết trên các đường bay nội địa. Tải cung ứng trong giai đoạn này ở mức 70-75% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (14 nghìn chuyến bay với khoảng 2,7 triệu ghế cung ứng).

Theo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không đã xây dựng phương án vận chuyển cho giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với mức độ tương đương với dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Để đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của nhân dân trên các đường bay nội địa, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép chủ động xem xét việc tăng tải cung ứng giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (có tham vấn ý kiến của Hội đồng điều phối giờ hạ cất cánh tại các cảng hàng không sân bay Việt Nam) trên cơ sở đường bay có hệ số sử dụng ghế trên 70%; có lượng đặt chỗ cao (trên 50%) và theo đề nghị của hãng hàng không. Việc xem xét tăng tải áp dụng từ ngày 14/1/2022.