Quy mô tài sản bị ảnh hưởng bởi COVID-19 rất lớn
Báo cáo cập nhật quý 3/2021 ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, dư nợ cho vay được phân loại vào nhóm nợ xấu đạt khoảng 1% tổng tài sản ngành ngân hàng; tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do chính sách hỗ trợ của NHNN yêu cầu các ngân hàng tạm hoãn việc phân loại các khoản cho vay bị ảnh hưởng bởi COVID -19 vào nhóm nợ xấu.
Dư nợ đã được tái cơ cấu nhưng chưa được xếp vào nhóm nợ xấu chiếm khoảng 4% tổng tài sản ngân hàng. Vì vậy, nếu dư nợ tái cơ cấu được xếp vào nhóm nợ xấu, thì tỷ lệ tổng nợ xấu /tài sản sẽ đạt khoảng 5%, đây được đánh giá là một con số khá lớn.
Nếu bao gồm cả khoản dư nợ được miễn/giảm lãi suất và khoản dư nợ được hưởng lãi suất ưu đãi, thì tổng dư nợ có vấn đề sẽ bằng khoảng 2/3 tổng tài sản ngành ngân hàng và gần bằng 9 lần vốn chủ sở hữu của các ngân hàng.
“Tất nhiên, chúng tôi không cho rằng toàn bộ khoản dư nợ chưa được phân loại đều trở thành nợ xấu và chúng tôi cũng không cho rằng sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng, nhưng quy mô tài sản bị ảnh hưởng bởi COVID-19 của các ngân hàng rõ ràng là rất lớn, và con số này tăng rất mạnh trong thời kỳ giãn cách xã hội quý 3/2021”, các chuyên gia nhấn mạnh.
Yuanta Việt Nam cho rằng, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất là đến năm 2022 để hỗ trợ việc xử lý khoản nợ xấu tiềm tàng và nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều khả năng NHNN sẽ không giảm mạnh lãi suất như họ đã từng làm trong thời gian vừa qua, lãi suất cho vay có thể sẽ duy trì ở mức tương tự như thời điểm hiện tại hoặc chỉ cao hơn nhẹ để hỗ trợ cho những người đi vay ít nhất là đến nửa đầu năm 2022.
Theo đó, tỷ lệ NIM được kỳ vọng sẽ đi ngang trong tương lai. Nhiều ngân hàng đã và đang đầu tư vào công nghệ số hóa để thu hút thêm nhiều khoản tiền gửi CASA để bù đắp cho sự suy giảm của lãi suất cho vay; tuy nhiên, quá trình này sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thành. Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao (như VCB, MBB, TCB và MSB) có thể sẽ giúp thúc đẩy tăng NIM hiệu quả hơn so với các ngân hàng đang có tỷ lệ CASA thấp.
Lợi nhuận năm 2022 phục thuộc vào khả năng thu hồi những khoản nợ vay tái cơ cấu
Hầu hết các ngân hàng đều đã củng cố chất lượng tài sản thông qua việc gia tăng chi phí trích lập dự phòng trong quý 2/2021, điều mà nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong quý 3/2021. Tuy nhiên, thay vào đó các ngân hàng đã giảm chi phí trích lập dự phòng, ít nhất là so với quý trước.
Cụ thể, tổng chi phí dự phòng đạt 31 nghìn tỷ đồng (giảm 9% so với quý trước và tăng 28% so với cùng kỳ năm trước) trong quý 3/2021, chủ yếu là do các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao giảm khoản trích lập dự phòng (như VCB, ACB, MBB và TCB).