Ngày 16/11/2021, tại diễn đàn thúc đẩy giao thương Việt – Mỹ trong hoàn cảnh mới, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng hàng trăm lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên 90,8 tỷ USD năm 2020.
8 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Mỹ đạt 73 tỷ USD. Dự báo cả năm nay, kim ngạch này sẽ cán mốc 100 tỷ USD, tăng hơn 200 lần so với thời điểm 1995.
Năm năm gần nhất, trung bình mỗi năm hàng Việt xuất sang Mỹ tăng 230%, từ Mỹ vào Việt Nam tăng 175%. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ, trong khi nước này cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Chịu tác động của Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, chuỗi cung ứng liên tiếp bị đứt gãy nhưng nhiều doanh nghiệp Mỹ có xu hướng đẩy mạnh đàm phán để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: chế tạo chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm…
Trong các lĩnh vực xuất khẩu truyền thống sang Mỹ, gỗ, da giày, dệt may,… là những ngành ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh những năm qua.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ, lâm sản Việt Nam thông tin, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu nhiều sản phẩm gỗ nhất sang thị trường Mỹ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là quốc gia đứng sau Trung Quốc về nhập khẩu nguyên liệu gỗ từ Mỹ.
Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ dự báo chỉ đạt 8 tỷ USD, thấp hơn so với kế hoạch 10 tỷ USD đưa ra hồi đầu năm. Ngoài ảnh hưởng bởi dịch, giá cước vận tải Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh, gấp 5-6 lần so với trước dịch, cộng với nguồn nguyên liệu đầu vào tăng,… đã tác động tới xuất khẩu của doanh nghiệp ngành gỗ sang thị trường này.
Tuy vậy, theo ông Ngô Sỹ Hoài, với tiềm năng lớn của thị trường 300 triệu dân, kim ngạch xuất khẩu gỗ giữa hai nước sẽ cán đích 10 tỷ USD trong tương lai gần.
Doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tiếp cận thị trường rộng lớn của Mỹ, cả về nguồn vốn, khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý… Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ mong muốn Việt Nam có những cải cách sâu rộng để môi trường hợp tác kinh doanh đầu tư hấp dẫn hơn. Đây là điểm hai nước cần tham vấn để tìm biện pháp.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, Mỹ cũng đang có xu hướng tăng cường bảo hộ thông qua các quy định, tiêu chuẩn mới về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm,… nên doanh nghiệp Việt gặp trở ngại không ít khi xuất khẩu sang nước này.
Lấy ví dụ với ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài chia sẻ, phía Mỹ rất quan tâm đến tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ xuất khẩu. Đại diện Chính phủ 2 nước đã ký bản thỏa thuận đảm bảo nguồn nguyên liệu, để chế biến sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ là nguồn hợp pháp.
Dù thế, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ, lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho rằng, để đáp ứng nhu cầu từ thị trường rộng lớn này, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực, quy mô đủ lớn và chú trọng tới việc đáp ứng các chứng chỉ về nguồn gốc nguyên liệu sản xuất, nhất là với nguồn gốc nguyên liệu gỗ.
Ngoài ra, khối lượng xuất khẩu sang Mỹ rất lớn nhưng chủ yếu là sản phẩm thô. Do đó, doanh nghiệp cần gia tăng chế biến sâu để tăng giá bán, thương hiệu cho hàng Việt và tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Bối cảnh hiện nay đặt ra cơ hội mới, và thách thức mới cho quan hệ hai nước. Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh bình luận, cần xây dựng lộ trình để nâng quan hệ hai nước từ đối tác toàn diện lên tầm đối tác chiến lược. Điều này phù hợp với lợi ích của cả Việt Nam, Mỹ, và phù hợp với chính sách đối ngoại, khung quan hệ của Việt Nam với các nước.
Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh nhìn nhận: “Mỹ chưa thể quay lại Hiệp định CPTPP, nhưng chính phủ Mỹ đang có nhiều sáng kiến như kinh tế thương mại tại khu vực liên quan đến biến đổi khí hậu về năng lượng hay về thương mại số, phát triển hạ tầng,… Đây cũng là tiềm năng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước”.
Theo ông Phạm Quang Vinh, có khả năng xem xét thêm một FTA song phương giữa hai nước trên cơ sở hợp nhất những thoả thuận, cam kết đã có. Hai bên cũng cần đẩy mạnh tham vấn trong khuôn khổ hợp tác, đặc biệt là Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để tháo gỡ, giải quyết khúc mắc, tăng cường hợp tác, tiếp cận thị trường của nhau.