26/12/2024

Theo Tổng cục Thống kê mới công bố, GDP của Việt Nam năm 2021 tăng trưởng được 2,58%, sau những nặng nề từ đại dịch COVID-19. Trên nền tăng trưởng thấp của năm 2021, nhiều chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước dự báo tăng trưởng năm 2022 có thể vượt mục tiêu 6-6,5% mà Chính phủ và Quốc hội đề ra.

Mới đây, BizLIVE đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam – ông Jacques Morisset, về những thách thức mà kinh tế Việt Nam dự kiến đối mặt trong năm 2022.

Hai rủi ro chính và những cơ hội

Theo ông đâu là những trở ngại khiến cho Việt Nam có thể không đạt được những mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2022? Tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều bất trắc và đã có những lo ngại về vấn đề lạm phát. Đâu là những rủi ro cho bức tranh kinh tế năm 2022?

Theo tôi rủi ro lớn nhất chính là rủi ro mà bạn đã nêu, đó là rủi ro về tình hình dịch bệnh. Không ai có thể dự báo trước được GDP sẽ giảm sâu trong quý 3 vừa qua, bởi vậy tôi cũng không thể biết chắc được chuyện gì sẽ xảy ra với Việt Nam cũng như với thế giới.

Gần đây chúng ta cũng bắt đầu nói về biến thể Omicron, chưa thể biết được biến thể này sẽ gây ra những tác động như thế nào và biết đâu có thể sẽ có những làn sóng dịch bệnh lớn hơn trong những năm tới đây. Theo tôi đó là rủi ro lớn nhất.

Bên cạnh đó, cho dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì không thể phủ nhận sẽ tồn tại những rủi ro về kinh tế.

Là một nền kinh tế mở cửa, Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tình hình của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Lĩnh vực xuất khẩu đã trở thành đầu tàu tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Có thể thấy Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ và châu Âu, và sự trầm lắng của kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của Việt Nam bởi vì xuất khẩu sẽ sụt giảm. Đó là một trong những rủi ro, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam đã được chứng minh là có khả năng hồi phục nhanh trước những cú sốc.

Một rủi ro nữa là vấn đề lạm phát, nhưng hầu hết là lạm phát nhập khẩu. Ví dụ hàng hóa như giá dầu tăng cao và ảnh hưởng đối với lưu chuyển hàng hóa và có thể thấy tất cả những điều đó được phản ánh qua tỉ lệ lạm phát của Việt Nam là sự kết hợp của hai yếu tố: giá cả các hàng hóa nhập khẩu tăng cao, trong khi giá hàng hóa trong nước vẫn không tăng lên do cầu vẫn thấp hơn cung. Đây là vấn đề tất nhiên, khi cung cao hơn cầu thì giá sẽ không tăng.

Nhưng hãy giả định trong trường hợp cầu sẽ tăng lên, vì chúng ta muốn có tăng trưởng, thì tới một lúc nào đó nó cũng sẽ gây ra lạm phát hàng hóa trong nước, nhưng ở mức có thể kiểm soát được. Tuy nhiên còn phải chờ xem, cũng có thể sẽ có sự cộng hưởng giữa việc tăng giá các hàng hóa quan trọng và việc tăng giá hàng hóa trong nước từ đó dẫn tới lạm phát tăng cao, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kiểm soát lạm phát thận trọng hơn so với hai năm qua. Đó là rủi ro thứ hai về kinh tế.

Một yếu tố đã từng xuất hiện từ trước đại dịch COVID chính là nhu cầu trong nước, khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao hơn, khi Việt Nam có tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, tất cả những điều đó sẽ đẩy mạnh nhu cầu trong nước…

Ông Jacques Morisset