Tại Việt Nam, hiện có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động, gồm: PTF finance, FCCOM, EVNFinance, HAFIC, Lotte Finance Vietnam, Mirae Asset Finance Vietnam, FE Credit, HD Saison, Home Credit, Shinhan Finance, JACCS, VSFC, Tài chính Toyota Việt Nam, SHB Finance, VietCredit, M Credit.
Trong đó có 6 công ty 100% vốn nước ngoài, còn lại chủ yếu là công ty con của ngân hàng hoặc các tập đoàn lớn tại Việt Nam.
Hiện công ty có thị phần lớn nhất là FE Credit, chiếm hơn 40% dư nợ của các công ty tài chính. Các công ty có thị phần lớn tiếp theo như Home Credit, HD Saison, Toyota Financial Services Vietnam,…
Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty tài chính đã giúp nhiều người dân có thể tiếp cận được các khoản vay mà không cần có tài sản bảo đảm, có tiền để chi tiêu, mua sắm,…Điều này cũng góp phần đẩy lùi tín dụng đen trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, đi cùng với tăng trưởng nhanh cũng xuất hiện nhiều vấn đề gây tranh cãi như phương thức đòi nợ, lãi suất cho vay của các công ty tài chính,…
Theo Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm. Tuy nhiên, các công ty tài chính lại không được điều chỉnh bởi Bộ Luật Dân sự như thông thường, mà được điều chính bởi các luật chuyên ngành.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 9 Thông tư 43/2016/TT-NHNN , lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được thực hiện theo quy định của Ngân hàng nhà nước về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng.
Trong đó, tại Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định: Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng…
Như vậy, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Tuy nhiên, lãi suất do các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước giám sát và có các biện pháp điều chỉnh.
Tại một hội thảo hồi giữa tháng 11 năm nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, theo Luật quy định, quan hệ tín dụng giữa người dân và công ty tài chính là lãi suất thỏa thuận. NHNN có thể không can thiệp được mức lãi suất, tuy nhiên, công ty tài chính nào cho vay quá cao không khác gì “tín dụng đen”, cơ quan quản lý sẽ có biện pháp gián tiếp để hạn chế hoạt động cho vay của các tổ chức này.
Trên thị trường hiện nay, lãi suất vay tiêu dùng của các công ty tài chính có sự chênh lệch rất lớn, phổ biến từ 10-70%/năm. Lý do có sự chênh lệch lớn như vậy vì còn tùy thuộc vào số tiền vay, mức độ rủi ro, lịch sử trả nợ và tính chất của sản phẩm. Đa số các khoản vay tại các công ty tài chính là cho vay tín chấp, khách hàng chủ yếu là những người thu nhập thấp, không đủ điều kiện tiếp cận vay vốn tại các ngân hàng. Thông thường, số tiền vay càng nhỏ thì lãi suất càng cao.
Trong khi đó, tại Shinhan Finance, lãi suất tối thiểu từ 18%/năm đến tối đa 38%/năm tính trên dư nợ giảm dần. Khoản vay tối đa 300 triệu đồng cho mục đích tiêu dùng, phục vụ đời sống.
Cùng một sản phẩm cũng sẽ có các mức lãi suất khác nhau. Ví dụ tại FE Credit, lãi suất vay mua xe trả góp có lãi suất 1,75-3,27%/tháng, tương đương với 21-40%/năm, thời gian trả 6-36 tháng. Tuy nhiên, công ty cũng cho biết đây là mức lãi suất tham khảo, lãi suất thực tế có thể thay đổi tùy vào hồ sơ vay và lịch sử tín dụng từng khách hàng.
Ngoài ra, tại công ty này có gói cho vay với khách hàng cũ có lịch sử trả nợ tốt, với lãi suất từ 2,33%/tháng, tương đương 28%/năm với khoản vay tối đa 70 triệu đồng.
Còn tại M Credit, đối với sản phẩm vay tiền mặt, lãi suất từ 14,05-38,59%/năm, hạn mức từ 10-100 triệu đồng. Đối với vay trả góp, lãi suất là từ 0% đến 45%/năm, tùy thuộc vào mức vay từ 2 triệu đến 100 triệu và sản phẩm mua trả góp, kỳ hạn vay từ 3 tháng – 72 tháng.