Stefan Thomas – một lập trình viên người Đức đang sống tại San Francisco, chỉ còn lại 2 lần để nhập mật khẩu vào một ví điện tử chứa Bitcoin. Tài khoản này hiện có giá trị khoảng 220 triệu USD tính đến tuần này.
Mật khẩu trên sẽ cho phép anh mở khóa một ổ cứng nhỏ, được gọi là IronKey, chứa các mã khóa cá nhân trong một ví điện tử hiện đang có 7.002 Bitcoin. Dù giá Bitcoin sụt giảm mạnh vào đầu tuần này, nhưng đồng tiền số vẫn tăng hơn 50% so với 1 tháng trước, vượt qua mức đỉnh trước đó là 20.000 USD.
Vấn đề của Thomas là, nhiều năm trước, anh đã làm mất tờ giấy ghi mật khẩu của IronKey. Trong khi đó, tài khoản này chỉ cho phép người dùng nhập mật khẩu 10 lần trước khi bị khóa vĩnh viễn. Cho đến hiện tại, anh đã thử nhập 8 lần, nhưng vẫn không có kết quả. Thomas chia sẻ: “Tôi chỉ nằm trên giường và nghĩ về nó. Sau đó, tôi nhập lại nhưng vẫn không được.”
Vì tính chất riêng của hệ thống đằng sau Bitcoin, nhiều người khác cũng mất tài khoản do quên mật khẩu. Do đó, họ buộc phải đứng nhìn, bất lực khi mức giá tăng/giảm mạnh và không thể kiếm tiền từ tài sản kỹ thuật số.
Theo số liệu từ công ty dữ liệu tiền số Chainalysis, trong số 18,5 triệu Bitcoin hiện đang được lưu hành, khoảng 20% – hiện trị giá khoảng 140 tỷ USD, đang nằm trong các ví điện tử bị mất hoặc chưa được mở khóa. Trong khi đó, Wallel Recovery Services – công ty giúp tìm mật khẩu tài khoản kỹ thuật số bị mất, đã nhận được 70 yêu cầu tìm lại mật khẩu mỗi ngày, gấp 3 lần so với tháng trước.
Những người sở hữu Bitcoin bị khóa ví điện tử đã chia sẻ về sự thất vọng khi cố gắng tiếp cận số Bitcoin gần như bị mất. Nhiều người nắm giữ đồng tiền này từ những ngày đầu tiên nó ra mắt khoảng 1 thập kỷ trước.
Brad Yasar – doanh nhân ở Los Angeles, có một chiếc máy tính chứa hàng nghìn Bitcoin mà anh tạo ra hoặc đào được trong những ngày đầu tiên của công nghệ này. Yasar đã làm mất mật khẩu từ nhiều năm trước và hiện phải đặt ổ cứng ở góc khuất để… không nhìn thấy nó.
Anh cho biết: “Trong nhiều năm, tôi đã dành tới hàng trăm tiếng đồng hồ để tìm mật khẩu. Tôi không muốn hàng ngày phải nhớ đến việc những gì mình có ở hiện tại chỉ là một phần nhỏ so với những gì đã mất.”
Thế tiến thoái lưỡng nan là một lời nhắc nhở cho nền tảng công nghệ đứng sau Bitcoin. Với tài khoản ngân hàng truyền thống và ví online, các ngân hàng như Wells Fargo hay công ty dịch vụ tài chính như PayPal có thể cung cấp cho người dùng mật khẩu khi bị mất.
Tuy nhiên, Bitcoin lại không có công ty cung cấp hay lưu trữ mật khẩu. Đó là bởi, “cha đẻ” của Bitcoin – một nhân vật có tên Satoshi Nakamoto, cho biết đồng tiền này cho phép bất kỳ ai mở tài khoản ngân hàng số và lưu trữ tiền mà không chính phủ nào có thể ngăn cản hoặc quản lý. Nhưng cấu trúc này lại đặc biệt gây khó khăn cho những người hay quên mật khẩu.
Thomas cho biết anh thấy Bitcoin hấp dẫn là bởi đồng tiền này nằm ngoài tầm kiểm soát của một quốc gia hay doanh nghiệp nào đó. Năm 2011, anh đã nhận được 7.002 Bitcoin từ một “người hâm mộ Bitcoin” và tự hỏi rằng “đây là gì?”.
Vào đúng năm đó, Thomas cũng làm mất chìa khóa số vào ví chứa Bitcoin. Kể từ đó, dù giá Bitcoin tăng vọt hay lao dốc, anh cũng không thể sử dụng đồng tiền này. Do đó, Thomas đã không hài lòng với ý tưởng rằng mọi người nên trở thành ngân hàng của chính mình.
Một số “tín đồ” khác của Bitcoin cũng nhận ra những khó khăn họ trở thành ngân hàng của chính mình. Một số đã phải nhờ đến các start-up hoặc sàn giao dịch nắm giữ Bitcoin, nhằm đảm bảo mật khẩu riêng không bị mất.
Gabriel Abed (34 tuổi) – doanh nhân đến từ Barbados, đã mất khoảng 800 Bitcoin – hiện có giá trị khoảng 25 triệu USD, khi một đồng nghiệp cài đặt lại chiếc máy tính xách tay có lưu tài khoản ví Bitcoin của anh từ năm 2011.
Abed cho biết việc này không khiến ông nản lòng. Trước Bitcoin, anh và những người dân trên đảo còn không thể truy cập vào các sản phẩm tài chính kỹ thuật số như thẻ tín dụng hay tài khoản ngân hàng. Tại Barbados, thậm chí việc sở hữu 1 tài khoản PayPal còn là điều gần như không thể. Theo Abed, bản chất mở của Bitcoin giúp anh lần đầu tiên có thể tiếp cận thế giới tài chính số.
Đối với Abed và Thomas, sự “mất mát” đó phần nào cũng được bù đắp bởi khoản lợi nhuận khổng lồ từ số Bitcoin, đồng tiền số khác mà họ đang có. 800 Bitcoin của Abed bị mất chỉ là một phần nhỏ trong số các đồng tiền số mà ông đã mua và bán kể từ thời điểm đó. Gần đây, anh đã mua một khu đất rộng hơn 400 nghìn m2 ngay tại bãi biển với giá hơn 25 triệu USD.
Trong khi đó, Thomas cho biết anh cũng nỗ lực giữ đủ số Bitcoin – đang giúp anh giàu lên nhanh chóng. Năm 2012, Thomas đã gia nhập công ty tiền số là Ripple và nhận được khoản thưởng bằng đồng Ripple (XPR). Đối với mật khẩu đã mất, Thomas nói rằng đã lưu giữ IronKey tại một nơi an toàn.
Tham khảo New York Times