08/01/2025

Đó là chia sẻ của ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT – Tổng Giám đốc LienVietPostBank.

Ngân hàng bán lẻ luôn được coi là một hoạt động cốt lõi của hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, Người thành công luôn có lối đi riêng. Ông có nhận định gì?

Thực tế hiện nay cho thấy, mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính của Việt Nam còn thấp so với mặt bằng chung của các nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn và chưa vươn đến được vùng khó khăn, lạc hậu… Trong khi đó, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê công bố năm 2020 cho biết, tổng dân số hơn 96 triệu dân thì dân số khu vực nông thôn là hơn 63 triệu người, chiếm 65,6% tổng dân số cả nước.

Vừa qua Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với một số chỉ tiêu cụ thể như ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%…

Theo đó, để các sản phẩm dịch vụ tài chính đến được với số đông người dân, đặc biệt là ở những khu vực còn chậm phát triển về kinh tế – xã hội, nơi “tín dụng đen” còn đang hoành hành, thì mở rộng mạng lưới các điểm giao dịch “vật lý” của Ngân hàng sẽ vẫn là con đường mà LienVietPostBank lựa chọn.

Tại ĐHCĐ của LienVietPostBank trước đây, ông đã từng nói “để thực hiện chiến lược ngân hàng bán lẻ, LienVietPostBank phải “phủ sóng” các phòng giao dịch đến tận các xã, huyện thị trên cả nước”. Ông có thể cho biết kế hoạch này đến thời điểm hiện tại như thế nào?

Thực tế hiện nay, các điểm giao dịch của hầu hết ngân hàng vẫn tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, nơi có mật độ dân cư đông đúc với kinh tế và các dịch vụ công nghệ hiện đại. Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi mà dư địa bán lẻ còn rất lớn thì các điểm giao dịch ngân hàng vẫn thưa thớt. Các ngân hàng khá e dè mở mới điểm giao dịch tại những địa bàn này bởi lẽ chi phí đầu tư cao và chủ yếu là khách hàng nhỏ lẻ nên thời gian thu hồi vốn chậm hơn các điểm giao dịch ở khu vực thành phố. Sự mất cân đối đó đã tạo ra một khoảng trống lớn tại các khu vực nông thôn nơi mà người dân cũng rất cần vốn nhưng khó khăn trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Nhìn nhận ra thực trạng đó, trong những năm qua chúng tôi đã tập trung mở rộng mạng lưới Ngân hàng tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên cơ sở nâng cấp các phòng giao dịch bưu điện tại các huyện thành các phòng giao dịch ngân hàng. Quá trình nâng cấp đã từng bước hoàn tất để phát huy hiệu quả, tạo lợi thế bán lẻ cho LienVietPostBank. Thời gian tới chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục nâng cấp các điểm giao dịch Bưu điện ở các huyện còn lại lên thành phòng giao dịch của Ngân hàng để người dân tại các khu vực đó tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh; góp phần tích cực vào việc cải thiện đời sống kinh tế, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, chung tay đẩy lùi “tín dụng đen”.