27/12/2024

Báo cáo của Savills chỉ ra, công suất mặt bằng bán lẻ cho thuê trung bình cả năm 2020 đạt 95%, giảm nhẹ 1 điểm phần trăm theo năm. Công suất hoạt động của khối đế bán lẻ giảm mạnh nhất 4 điểm phần trăm theo năm do cơ cấu khách thuê kém đa dạng và lượng khách giảm.

Trung tâm thương mại có công suất đạt 95% và cửa hàng bách hóa đạt 98%, cả hai phân khúc đều giữ được sức hút và công suất ổn định theo năm do lượng khách mua sắm cao và cơ cấu khách thuê tốt. Diện tích trống nhanh chóng được lấp đầy, đặc biệt là ở khu trung tâm.

Điều đáng nói, giá thuê trung bình ổn định theo năm bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chủ đầu tư lạc quan do việc kiểm soát đại dịch hiệu quả, công suất thuê cao và triển vọng kinh tế tích cực. Với  nhu cầu cao, giá thuê trung bình khu trung tâm tăng 5% theo năm, tiếp tục đà tăng từ năm 2018.

Các thương hiệu bán lẻ hàng đầu trong và ngoài nước đang tìm cách mở rộng, yêu cầu diện tích lớn từ 300-1.000m2 ở các vị trí có lượng người mua sắm cao. Tuy nhiên, các diện tích trống còn lại chỉ từ 100-200m2, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo đơn vi này, năm 2021, 12 dự án mới với hơn 170.000m2 sẽ gia nhập thị trường. Khoảng 80% tổng nguồn cung này dự kiến ở khu vực ngoài trung tâm. Tuy nhiên, một số dự án mới có thể trì hoãn khai trương mặc dù đã hoàn thành xây dựng.

Bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills cho biết, ngành bán lẻ đang phát triển rất nhanh chóng. Mạng lưới giao nhận bằng xe máy tại ViệtNam và sự phổ biến của điện thoại di động thúc đẩy các kênh bán hàng trực tuyến nhanh chóng mở rộng. Vị trí lân cận và sự thuận tiện sẽ thúc đẩy chu kỳ phát triển tiếp theo ở ngoài trung tâm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, phân khúc khác của thị trường mặt bằng bán lẻ nói chung và khối đế chung cư nói riêng có dấu hiệu phục hồi tốt. Đặc biệt, hoạt động bán lẻ truyền thống sẽ trở lại mạnh mẽ trong dịp mua sắm cuối năm khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, năm 2021, phân khúc mặt bằng bán lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn, hơn 80% nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới sẽ ở các khu vực ngoài trung tâm, khi người tiêu dùng đối mặt với việc mất thu nhập và gia tăng sự không chắc chắn, các nhà phát triển đang trì hoãn việc ra mắt các sản phẩm mới.

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết, mặt bằng bán lẻ đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thương mại điện tử, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay thì thương mại điện tử có nhiều lợi thế hơn. Google Temasek dự đoán giá trị giao dịch thương mại điện tử của Việt Nam có thể tăng trưởng 43% theo năm, lên 15 tỷ USD vào năm 2025 nhờ vào 66% dân số là người dùng internet thường xuyên và 72% có điện thoại thông minh. Khi thương mại điện tử phát triển, các dịch vụ giao hàng cũng vậy, đặc biệt các siêu thị như Coopmart, Vinmart cũng đã mở rộng dịch vụ giao hàng tận nhà. Sự tăng trưởng nhanh chóng này còn ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng, 64% người được hỏi sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao hàng trong khi 63% sẽ tăng cường mua sắm trực tuyến.

Vị chuyên gia này cho rằng, từ quý 3/2020 nhiều khách thuê ngành F&B và thời trang đã đóng cửa hoặc giảm diện tích thuê. Xu hướng giảm quy mô này có khả năng tiếp tục trong trung hạn. Những đơn vị vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch kinh doanh để đưa mặt bằng bán lẻ ra thị trường như dự định sẽ có thể gặp khó khăn với việc các thương hiệu nước ngoài tạm ngừng gia nhập thị trường và các DN đã thành lập hoãn lại kế hoạch mở rộng. Tuy nhiên, giá thuê thấp hơn có thể sẽ tạo động lực cho ngành trong khi các nhà bán lẻ truyền thống sẽ cần phải đổi mới các chiến lược phù hợp hơn.