28/12/2024

“Tôi mệt mỏi hơn rất nhiều vào cuối ngày, mặc dù số giờ của tôi là tương đối nhất quán. Kết thúc một ngày tại văn phòng là rất khác so với kết thúc một ngày làm việc qua Zoom”, Doug Merritt, chủ tịch và CEO của Splunk, một công ty nền tảng dữ liệu có trụ sở tại San Francisco, cho biết.

Các nhà lãnh đạo công ty nhận ra rằng một phần lớn văn hóa công ty gắn liền với trải nghiệm ở văn phòng: tiện nghi, thức ăn, các cuộc tụ họp. Và nhân rộng những điều này là rất khó khi nhân viên làm việc tại nhà.

Tuy nhiên, một số công ty đang nghĩ ra những cách để giữ cho công nhân của họ gắn bó và cảm thấy được trân trọng ngay cả khi tất cả họ không thể ở bên nhau.

Hộp dã ngoại, đồ thể thao và những món quà khác

Để thể hiện sự trân trọng, nền tảng phân phối phần mềm Harness đã gửi quà tặng cho các nhân viên đang làm việc từ xa của mình.

“Quà tặng rất quan trọng trong thời gian này để giữ mọi người gắn bó và hỗ trợ sứ mệnh của chúng tôi. Chúng tôi thường xuyên tạo bất ngờ cho nhân viên bằng một món quà nào đó”, Luan Lam, Phó chủ tịch tài năng toàn cầu của Harness, cho hay.

Vì chuyến dã ngoại toàn công ty bị hủy bỏ vào năm nay nên mỗi người trong số 250 nhân viên của Harness đều nhận được một chiếc hộp để tạo niềm vui cho riêng mình. Có giá khoảng 125 USD, mỗi chiếc hộp bao gồm một tấm chăn, một chiếc chiếu, một chai nước, một bộ dụng cụ nhuộm màu, một ít đồ ăn nhẹ, kem chống nắng, cùng một số món khác.

Sau đó, công ty đã tổ chức một cuộc thi ảnh để xem ai có thể bài trí đẹp nhất bằng những món trong hộp quà của họ. Người chiến thắng nhận được 50 USD.

Harness cũng gửi thẻ quà tặng trị giá 30 USD cho nhân viên để nhận thức ăn và đồ uống cho một giờ hạnh phúc ảo trên toàn công ty.

Các bộ phận khác nhau cũng gửi quà qua đường bưu điện. Đội ngũ kỹ sư gần đây đã nhận được một cốc cà phê cùng với một bộ đồ thể thao và một chiếc mũ len có đèn pha. Nhóm của Lam còn tổ chức một buổi nếm rượu vang và pho mát qua mạng internet.

Thức ăn trong hộp

Các công ty khác đang cố gắng duy trì truyền thống thức ăn miễn phí ở văn phòng.

Domm Holland, CEO của công ty thanh toán thương mại điện tử Fast cho biết: “Điều lớn nhất mà tôi nhớ đến từ những ngày trước Covid là những bữa ăn chung. Không có gì bằng khi có thể dùng bữa trưa hoặc bữa tối với một tập thể lớn, đó là một hoạt động xây dựng mối quan hệ thực sự tuyệt vời”.

Kết quả là giờ đây công ty này tổ chức một bữa trưa ảo hàng tuần và mỗi nhân viên được nhận 25 USD để chi cho bữa ăn của họ.

Fast cũng gửi những hộp đồ ăn nhẹ hàng tuần cho nhân viên, trong đó mỗi tuần là một loại thực phẩm khác nhau và những hộp bánh quy luôn được ưa chuộng.

Trại hè và câu lạc bộ trẻ em

Để giúp giảm bớt một số áp lực chăm sóc con cái mà các bậc cha mẹ đi làm phải đối mặt, hãng phần mềm kinh doanh UKG đã tổ chức một trại hè ảo và cung cấp một câu lạc bộ trẻ em sau giờ học vào mùa thu này.

“Đó là điều đúng đắn cần phải làm. Thực tế mà nói, nếu lũ trẻ ‘bận rộn’, bạn sẽ làm việc năng suất hơn và cảm thấy tốt hơn trong công việc. Đó là một tình huống đôi bên cùng có lợi”, Dave Almeda, giám đốc nhân sự của công ty, nói.

Hơn một nửa số nhân viên Mỹ của công ty này là cha mẹ và hơn 1.300 trẻ em đã tham gia trong suốt mùa hè. Almeda ước tính tổng chi phí cho trại hè khoảng 250.000 USD.

Ba trại khác nhau được cung cấp dựa trên độ tuổi của trẻ em. Các hoạt động dành cho nhóm nhỏ nhất, từ 2 đến 5 tuổi, bao gồm thời gian kể chuyện và làm thủ công. Trước đó, các em đã được gửi dụng cụ tận nhà. Trại bong bóng, dành cho trẻ từ 6 đến 8, có một chủ đề khác nhau mỗi tuần và gồm một số lớp học ảo, hoạt động nghệ thuật và khám phá ngoài trời. Đối với trẻ em từ 9 đến 14 tuổi, UKG hợp tác với tổ chức hỗ trợ thiếu niên địa phương.

Dịch vụ giặt là tận nơi

Nhà cung cấp dịch vụ giặt là Rinse đã ra mắt Rinse for Business trong năm nay và rõ ràng là đối với một số công ty, điều đó không thể đến vào thời điểm tốt hơn. Rinse làm việc với các công ty ở một số thành phố lớn để sắp xếp việc nhận và giao đồ giặt là, hấp tẩy cho nhân viên tại nhà (hoặc tại văn phòng khi mọi thứ trở lại bình thường).

Kể từ tháng 3, Rinse for Business đã chứng kiến ​​nhu cầu tăng 23%.

Khi đội ngũ phụ trách phúc lợi tại Bluedog Design biết rằng các nhân viên đang gặp khó khăn trong việc giặt giũ – đặc biệt là khi các tiệm giặt là và giặt khô đóng cửa hoặc hạn chế giờ làm việc – họ đã hợp tác với Rinse for Business để đưa ra một số trợ giúp.

CEO của Bluedog Design, Michelle Hayward, cho biết: “Mặc dù giặt ủi là một nhu cầu luôn hiện hữu, nhưng bạn không phải lúc nào cũng nghĩ về nó cho đến khi bạn cần thứ gì đó”.

Thêm thời gian nghỉ

Một số công ty đang cung cấp thêm ngày nghỉ phép có lương để đảm bảo người lao động được nghỉ ngơi.

Các nhân viên tại Splunk có thêm 30 “ngày đại dịch”, có thể được sử dụng cho bất kỳ việc gì liên quan đến đại dịch, như đi khám bác sĩ, chăm sóc một thành viên gia đình bị bệnh hoặc chăm sóc con cái.

“Chúng tôi khá khoan dung với điều đó. Chúng tôi mong đợi việc tự báo cáo. Chúng tôi yêu cầu họ cho người quản lý của họ biết rằng họ đang nghỉ một ngày, và không hề có hoạt động kiểm toán hoặc kiểm tra”, Merritt nói.

Công ty cũng đã cấm các cuộc gọi nội bộ vào sáng thứ Hai và chiều thứ Sáu để có thêm thời gian làm việc tập trung hơn.