Theo đó, các CCN trên tập trung ở 4 xã, trong đó xã Tân An có 3 CCN gồm: CCN Vật liệu xây dựng Tân An, CCN Tân An giai đoạn 1, CCN Tân An giai đoạn 2; xã Thiện Tân có 2 CCN: Thạnh Phú – Thiện Tân và Thiện Tân; xã Trị An có CCN Trị An; xã Vĩnh Tân có 1 CCN.
Ngoài ra, huyện Vĩnh Cửu dành thêm khoảng 236ha đất để phát triển mở rộng Khu công nghiệp Sông Mây giai đoạn 2 và Khu công nghiệp Thạnh Phú. Đây là địa phương có quy hoạch nhiều CCN nhất tỉnh trong giai đoạn 10 năm trước và 10 năm sau. Trong đó, có nhiều CCN được quy hoạch từ giai đoạn trước nhưng chưa thực hiện được, nên đã chuyển sang giai đoạn 2021-2030.
Như vậy, hiện nay, huyệnVĩnh Cửu là nơi được quy hoạch nhiều CCN nhất tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch khoảng 27 CCN ở các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh, có tổng diện tích khoảng 1,6 ngàn ha. Dự kiến trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ có 36 CCN, diện tích hơn 2.051ha (xóa quy hoạch 3 CCN và bổ sung 12 CCN). Mục tiêu mở thêm các CCN của tỉnh là nhằm di dời các DN nhỏ, các cơ sở làng nghề vào để phù hợp quy hoạch, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Những địa phương có quy hoạch nhiều CCN là Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom, Định Quán…
Tuy vậy, những năm qua, việc thu hút các DN đầu tư vào hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh rất khó khăn. Vì thế đến nay, Đồng Nai mới có 4 CCN hoàn thành hạ tầng kỹ thuật là: CCN Gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), CCN Phú Cường (H.Định Quán), CCN Hố Nai 3 (H.Trảng Bom), CCN Phú Thạnh – Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch). Còn lại các CCN đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ, thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Sở dĩ các nhà đầu tư chưa mặn mà với việc làm hạ tầng các CCN là vì diện tích nhỏ chỉ từ 30-75ha. Trong các khu vực quy hoạch CCN đã có một số nhà máy sản xuất hiện hữu, khi hoàn tất hạ tầng chủ đầu tư còn lại diện tích đất cho thuê rất ít, lợi nhuận thấp. Đặc biệt 3 năm trở lại đây, giá đất tại Đồng Nai tăng cao, tiền bồi thường bị đẩy lên cao khiến chi phí đầu tư cũng tăng lên.