28/12/2024

Trải qua và ứng phó với tác động của dịch Covid-19, nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) đã thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ và cắt giảm lãi suất. Đi cùng, “mùa tiền rẻ” thể hiện, hoạt động bơm tiền ra nền kinh tế thể hiện rõ, với lãi suất giảm sâu.

Diễn biến trên cũng đã và đang thể hiện tại Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch.

Nhưng, sau những bước trên, chính sách tiền tệ tiếp theo sẽ như thế nào, cả ở giai đoạn hậu Covid-19?

Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu (GFS) tháng 10/2020 của Quỹ Tiền tệ quốc tế ( IMF ) công bố mới đây có khuyến nghị về một lộ trình cho chính sách tài chính tiền tệ tại các giai đoạn khác nhau của cuộc khủng hoảng – một tham khảo cho câu hỏi trên.

Báo cáo này cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giới thiệu, với những bước chuyển chính sách có thể hình thành trong tương lai.

CÁC ƯU TIÊN CHÍNH SÁCH TRONG QUÁ TRÌNH MỞ CỬA TRỞ LẠI

Theo IMF, trong giai đoạn mở cửa trở lại, tùy vào tình hình ở một số quốc gia, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tuy đã được nới lỏng, nhưng có thể được áp dụng lại trước nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Do đó, các ưu tiên cho giai đoạn mở cửa từng bước là tiếp tục chính sách hỗ trợ để đảm bảo quá trình phục hồi bền vững.

Theo đó, chính sách tiền tệ mở rộng cần được duy trì để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Sau khi cắt giảm mạnh các mức lãi suất chính sách ở giai đoạn đầu khủng hoảng, hầu hết các nền kinh tế phát triển đang phải đối mặt với tình trạng giới hạn thấp hơn hiệu quả của chính sách tiền tệ, mặc dù nhiều thị trường mới nổi vẫn có dư địa cắt giảm.

Việc hỗ trợ thanh khoản thiết yếu cho thị trường và các tổ chức tài chính cần tiếp tục để khuyến khích các tổ chức tài chính quay trở lại thị trường khi các điều kiện tài trợ vốn trở lại bình thường. Các ngân hàng nên được khuyến khích tiếp tục cho vay. Trong khi vận dụng linh hoạt các khuôn khổ pháp lý, các ngân hàng cần tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán và an toàn đối với phân loại khoản vay và việc trích lập dự phòng.

Các nhà hoạch định chính sách nên phát triển các chiến lược hiệu quả ứng phó với áp lực về khả năng thanh toán của doanh nghiệp và hộ gia đình. Các biện pháp giảm bớt căng thẳng thanh khoản chỉ có tính tạm thời. Hỗ trợ tài chính sẽ làm tăng nợ, trong khi các doanh nghiệp và hộ gia đình có thể vẫn đối mặt khó khăn về tài chính khi hết thời gian hoãn nợ. Các nhà hoạch định chính sách do đó nên chuyển trọng tâm sang hỗ trợ khả năng thanh toán.

Các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển đang gặp khó khăn về tài chính có thể cần các hỗ trợ chính thức. Tài trợ làm gia tăng thâm hụt tài khóa có thể là một thách thức cho nhiều nước. Nợ công vì thế có thể trở nên không bền vững ở một số quốc gia, do đó sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và tái cơ cấu nợ với các chủ nợ quốc tế sẽ cần thiết để bảo vệ ổn định tài chính vĩ mô.

CÁC PHẢN ỨNG CHÍNH SÁCH NẾU QUÁ TRÌNH PHỤC HỒI BỊ TRÌ HOÃN

Trong trường hợp triển vọng kinh tế xấu đi (có thể do các đợt bùng phát dịch mới), các nhà hoạch định chính sách nên chuẩn bị để tăng quy mô hỗ trợ thanh khoản nhưng theo mục tiêu trọng tâm hơn. Các biện pháp tài khóa mục tiêu là một cách hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và cá nhân dễ bị tổn thương nhất. Các tiêu chuẩn sẽ cần được thắt chặt từ từ để đảm bảo hầu hết hỗ trợ tập trung cho các doanh nghiệp có khả năng hồi phục.

Chính sách tiền tệ có thể phải được nới lỏng hơn nữa khi cần hỗ trợ dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Cho vay khẩn cấp và các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ phi truyền thống có thể phải được tái kích hoạt hoặc mở rộng, tùy thuộc bối cảnh các nước, trong trường hợp kịch bản bất lợi xảy ra với nền kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách nên cung cấp hỗ trợ khả năng thanh toán để giảm thiểu rủi ro hệ thống. Cung cấp tiền và giảm thuế có thể được áp dụng cho các đối tượng mục tiêu như các doanh nghiệp và hộ gia đình bị tác động nhiều nhất. Ngoài ra, các chính phủ có thể mở rộng quy mô hỗ trợ khả năng thanh toán cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi và được xem có vai trò chiến lược hoặc tầm quan trọng hệ thống để hạn chế hậu quả bất lợi cho tài chính vĩ mô.

CÁC ƯU TIÊN CHÍNH SÁCH KHI DỊCH BỆNH ĐƯỢC KIỂM SOÁT

Khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, các chính sách cần xây dựng dựa trên các hành động được thực hiện trong giai đoạn mở cửa lại dần dần, nhưng tập trung nhiều hơn vào giải quyết các vấn đề về khả năng thanh toán để đảm bảo sự phục hồi bền vững và hoàn thành chuyển đổi cấu trúc của nền kinh tế sang trạng thái bình thường mới sau đại dịch.

Chính sách tiền tệ mở rộng nên được duy trì cho đến khi các mục tiêu của NHTW đã đạt được. Trong bối cảnh các kỳ vọng lạm phát tiếp tục ở mức thấp và khả năng lãi suất thực giảm, nhiều NHTW (bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và NHTW Châu Âu) đang xem xét điều chỉnh các khuôn khổ chính sách tiền tệ và hoạt động truyền thông để đảm bảo hiệu lực của chính sách.

Hỗ trợ thanh khoản trên toàn hệ thống nên dừng lại khi điều kiện thị trường trở lại bình thường. Việc tài trợ vốn có kỳ hạn cho các ngân hàng có thể được duy trì khi cần thiết để hỗ trợ dòng vốn tín dụng và đảm bảo sự phục hồi bền vững.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần được khuyến khích chủ động xử lý nợ xấu; đối với các ngân hàng có mức nợ xấu cao cần được yêu cầu xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động đáng tin cậy để giảm tỷ lệ nợ xấu trong một khung thời gian thích hợp.

Cũng theo IMF, các nhà hoạch định chính sách nên phát triển các chiến lược hiệu quả để đối phó với việc nợ gia tăng tại khu vực tư nhân. Vận hành tốt các khuôn khổ về khả năng thanh toán được vận hành tốt có thể giúp giải quyết các doanh nghiệp không hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi cho các tái cấu trúc.

Các nhà hoạch định chính sách cũng cần chuẩn bị ứng phó với những tác động của tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp và hộ gia đình đối với các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng, cũng như với tài khóa.

Các cơ quan chức năng cần đảm bảo rằng các ngân hàng có sẵn các chiến lược phục hồi đáng tin cậy, và phát triển (hoặc cập nhật) các kế hoạch dự phòng cho các tổ chức dễ tổn thương.

Các quốc gia cũng cần phát triển một chiến lược tài khóa trung hạn đáng tin cậy để đảm bảo nợ ổn định trong trung hạn, trong đó xem xét tới việc kéo dài các hỗ trợ chính sách có thể tăng đáng kể chi phí tài chính.

Báo cáo của IMF cũng cho rằng, các nhà hoạch định chính sách nên áp dụng các chính sách để khuyến khích việc quản lý chủ động hơn các rủi ro liên quan biến đổi khí hậu. Dịch bệnh, mặc dù ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng lại cho thấy một cơ hội để tạo ra sự phục hồi xanh. Các nhà hoạch định chính sách nên khuyến khích việc định giá thích hợp các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu thông qua làm tốt hoạt động truyền thông và từng bước triển khai thuế carbon, công bố thông tin về các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, và tăng cường các stresstest liên quan đến biến đổi khí hậu với các tổ chức tài chính.

Các chính sách để khuyến khích tăng đầu tư vào kỹ thuật số cần được áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả khu vực tài chính và tài chính toàn diện. Đại dịch có thể đã tăng tốc sự chuyển đổi của nền kinh tế theo hướng số hóa. Đầu tư kỹ thuật số sẽ cho phép tài chính hệ thống cắt giảm chi phí và mở rộng tiếp cận tới các nhóm dân cư chưa sử dụng dịch vụ, từ đó nâng cao tài chính toàn diện.

Theo IMF, các loại tiền kỹ thuật số có thể tăng hiệu quả đạt được, đặc biệt là trong thanh toán xuyên biên giới, và tiếp cận dân số không được sử dụng dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, chúng cần được quy định chặt chẽ để đảm bảo ổn định và thống nhất, đảm bảo việc vận hành an toàn cũng như khả năng cạnh tranh của thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.