06/01/2025

Theo lý giải của lãnh đạo NCB, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi là rất cần thiết để: Đảm bảo việc tuân thủ các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, cụ thể là để đáp ứng Thông tư 41 và Basel II, việc tăng vốn cấp 2, cùng với tăng vốn cấp 1 sẽ giúp ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn CAR; Để đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn tín dụng nhằm hỗ trợ các khách hàng duy trì và phát triển kinh doanh, đặc biệt là các đối tác bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả ngân hàng và khách hàng.

Ngoài ra việc phát hành trái phiếu còn giúp ngân hàng đa dạng hóa phương án phát hành để gia tăng tỷ lệ thành công của phương án huy động vốn năm nay.

Lọại trái phiếu ngân hàng phát hành đợt này là trái phiếu chuyển đổi, phát hành riêng lẻ, không được đảm bảo bằng tài sản của tổ chức phát hành, đươc phát hành và thanh toán bằng VND, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2.

Mệnh giá của trái phiếu là 1 tỷ đồng, số lượng trái phiếu chào bán là 3.000 trái phiếu tương đương huy động về 3.000 tỷ đồng. Kỳ hạn của trái phiếu là 6 năm, lãi suất cố định áp dụng trong toàn bộ kỳ hạn, nằm trong khoảng 10%/năm cộng/trừ biên lãi suất 3%/năm. Tiền lãi sẽ được thanh toán định kỳ hàng năm còn tiền gốc sẽ được thanh toán 1 lần vào ngày đáo hạn trái phiếu.

Thời điểm phát hành trái phiếu dự kiến trong năm 2020 – 2021 và thời gian cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị thực hiện phù hợp với sự chấp thuận của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Ngoài việc phát hành trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn cấp 2 thì trong năm nay NCB còn tăng vốn điều lệ (vốn cấp 1) thêm 3.000 tỷ đồng. Theo ngân hàng, việc tăng vốn điều lệ sẽ quyết định mức độ thành công trong việc mở rộng quy mô hoạt động và làm tăng mức độ an toàn của NCB, góp phần thực hiện các mục tiêu theo chiến lược kinh doanh của ngân hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng còn tục triển khai Phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2028 đã được NHNN phê duyệt.

Được biết trong số 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ dự kiến tăng thêm, NCB sẽ dành khoảng 2.000 – 2.300 tỷ đồng để bổ sung vốn tự có cho vay dài hạn; khoảng 300 – 500 tỷ đồng cho việc mở rộng mạng lưới; 100 – 200 tỷ đồng đầu tư dự án Digital Banking và phần còn lại để phát triển các dự án công nghệ.