09/01/2025

Nga đặt mục tiêu sẽ trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép lưu hành vắc xin Covid-19 trong vòng khoảng chưa đầy 2 tuần nữa bất chấp những lo lắng về mức độ an toàn, tính hiệu quả và tâm lý hoài nghi về việc liệu Nga có cắt đi những bước quan trọng trong quá trình phát triển vắc xin hay không.

Theo CNN, quan chức Nga cho biết họ đang hướng đến mục tiêu chấp thuận lưu hành vắc xin vào ngày 10/8/2020 hoặc sớm hơn, vắc xin được phát triển bởi viện Gamaleya tại Moscow.

Vắc xin sẽ được chấp thuận sử dụng trong công chúng, những nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch sẽ được tiêm vắc xin đầu tiên.

Giám đốc quỹ thịnh vượng của chính phủ Nga, ông Kirill Dmitriev, khẳng định: “Đó thực sự sẽ là khoảng thời gian vô cùng quan trọng”. Quỹ thịnh vượng của chính phủ Nga đầu tư vào việc phát triển vắc xin. Trước đó vào năm 1957, phía Nga đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên của thế giới.

Tuy nhiên, cho đến nay, Nga chưa hề công bố bất kỳ dữ liệu khoa học nào về hoạt động thử nghiệm vắc xin, CNN hiện đang không thể cung cấp được dữ liệu khoa học về thử nghiệm vắc xin trong bối cảnh áp lực chính trị từ điện Kremlin đang dâng cao. Chính phủ Nga đang muốn xây dựng hình tượng nước này như một nước hàng đầu về nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều lo lắng về khả năng vắc xin chưa được thử nghiệm đầy đủ trên cơ thể người.

Hiện tại trên thế giới đã có rất nhiều loại vắc xin đang được nghiên cứu và phát triển, có một số loại vắc xin được thử nghiệm trên quy mô lớn, tuy nhiên phần lớn các tổ chức phát triển vắc xin cảnh báo rằng sẽ còn cần phải làm rất nhiều việc trước khi vắc xin có thể được cấp phép lưu hành.

Dù rằng một số loại vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3, vắc xin của Nga thậm chí còn chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ 2. Các bên phát triển vắc xin có kế hoạch sẽ hoàn thành giai đoạn đó trước ngày 3/8/2020 và sau đó tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 cùng với việc tiêm vắc xin vào các nhân viên y tế.

Theo quan điểm của phía các nhà khoa học Nga, một số loại vắc xin có thể phát triển nhanh chóng bởi nó là phiên bản biến thể của loại vắc xin dùng để điều trị bệnh khác. Cách tiếp cận này đã được nhiều nước và doanh nghiệp khác áp dụng.

Đáng chú ý, công ty Moderna, công ty phát triển vắc xin có sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ và hiện đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thứ 3 từ ngày thứ Hai, đã phát triển vắc xin ngừa virus corona dựa trên loại vắc xin công ty đã phát triển trước đó chống loại virus khác gần liên quan có tên MERS. Dù điều này giúp đẩy nhanh quá trình công bố vắc xin ra thị trường, các nhà quản lý Mỹ và châu Âu đang yêu cầu việc thử nghiệm hoàn chỉnh mức độ an toàn và hiệu quả của vắc xin.

Bộ Quốc phòng Nga công bố một số binh lính trong quân đội Nga đang tình nguyện để thử nghiệm vắc xin. Giám đốc dự án vắc xin của Nga, ông Alexander Ginsburg, công bố bản thân ông cũng đã tiêm thử vắc xin.

Theo quan chức Nga, vắc xin sẽ sớm được xét duyệt bởi những vấn đề của đại dịch Covid-19 gây ra quá nhiều lên kinh tế toàn cầu, ngoài ra cũng cần phải tính đến những vấn đề của riêng nước Nga. Hiện tại Nga đang có hơn 800.000 người nhiễm Covid-19.

Ông Dmitriev nhấn mạnh: “Các nhà khoa học của chúng tôi tập trung không vào mục tiêu trở thành nước đầu tiên có vắc xin mà quan tâm chủ yếu đến việc bảo vệ con người”.

Thông tin về loại vắc xin này đã nhiều lần trước truyền thông Nga và thế giới nhắc đến trước đó. Một số doanh nhân và chính trị gia giàu có của Nga đã được tiêm vắc xin Covid-19, theo thông tin được giới thạo tin chia sẻ được Bloomberg trích đăng.

Cụ thể, một số nhà điều hành cao cấp tại nhiều doanh nghiệp ví như công ty nhôm United Co. Rusal, một số tỷ phú và quan chức chính phủ Nga đã được tiêm vắc xin Covid-19 giai đoạn đầu được phát triển bởi viện Gamaleya thuộc nhà nước Moscow từ đầu tháng 4/2020. Những người chia sẻ thông tin từ chối cung cấp danh tính.

Vắc xin Gamaleya được phát triển dựa trên nguồn tài chính từ quỹ đầu tư trực tiếp thuộc chính phủ Nga và được sự ủng hộ của quân đội. Trong tuần trước, các nhà nghiên cứu vắc xin này đã hoàn thành việc thử nghiệm vắc xin giai đoạn một với nhiều người thuộc quân đội Nga. Viện này tuy nhiên chưa công bố kết quả nghiên cứu cụ thể. Vắc xin đã được thử nghiệm với khoảng 40 người. Dù vậy, viện đang tiếp tục thử nghiệm vắc xin Covid-19 với một nhóm bệnh nhân lớn hơn.

Giám đốc viện nghiên cứu cho biết rằng việc thử nghiệm vắc xin giai đoạn 3 sẽ được khởi động từ ngày 3/8/2020 với hàng nghìn người Nga, Saudi Arabia và Các tiểu Vương Quốc Arab Thống nhất (UAE). Vắc xin sẽ có thể được lưu hành trên toàn nước Nga từ đầu tháng 9/2020. Các nhà nghiên cứu phương Tây trong khi đó đang thử nghiệm vắc xin Covid-19 giai đoạn 3 trong nhiều tháng để hiểu hơn về độ an toàn và tính hiệu quả của nó.

Theo tìm hiểu và phân tích của Bloomberg, chương trình tiêm vắc xin Covid-19 thử nghiệm cho một số doanh nhân và chính trị gia của Nga hoàn toàn hợp pháp tuy nhiên nó không được công bố nhằm tránh tình trạng xung đột.

Một nhà nghiên cứu có liên quan đến quá trình phát triển vắc xin cho biết hàng trăm người đã tham gia vào chương trình này. Bloomberg cũng đã xác nhận được danh tính của một số người có được tiêm vắc xin thế nhưng không ai trong số này chấp nhận công bố danh tính.

Hiện chưa rõ các thành viên tham gia chương trình được lựa chọn như thế nào và họ không được tính vào một phần trong nghiên cứu chính thức dù rằng họ được kiểm soát chặt chễ và kết quả của họ được viện nghiên cứu lưu lại. Những người tham gia được tiêm vắc xin 2 lần nhằm tạo ra phản ứng miễn dịch trong vòng khoảng 2 năm. Người tham gia không phải đóng phí và phải ký vào biên bản cam kết rằng họ hiểu về những rủi ro tiềm tàng.