29/12/2024

Tuy nhiên, kênh nhà đất đang rơi cảnh nghịch lý là lực cầu lớn nhưng nguồn hàng đầu tư phù hợp đang rất khan hiếm.

Lực cầu thị trường bất động sản đang rất lớn

Đại dịch Covid-19 là biến cố khiến nền kinh tế thế giới chao đảo và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn của đại dịch, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho biết GDP Việt Nam năm 2020 vẫn tăng 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.

Chính việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã tạo điều kiện phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và củng cố nội lực kinh tế Việt Nam. Nhờ đó mà thị trường chứng khoán liên tiếp tăng điểm. Năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 5,1 triệu tỉ đồng, tương đương 80% GDP, tăng 14% so với năm 2019. Một thực tế dường như đã trở thành quy luật là nhà đầu tư thắng thế với chứng khoán có xu hướng sử dụng dòng tiền chốt lời đổ vào bất động sản, tiếp tục tìm kiếm cơ hội sinh lời. Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng dự báo chứng khoán đang thắng cuối năm 2020 nhưng sau tháng 1/2021, chứng khoán sẽ giảm và dòng tiền dồi dào từ chứng khoán đổ vào bất động sản sẽ có xu hướng tăng nhanh.

Bất động sản luôn có vị thế lớn trong các kênh đầu tư về tiềm năng sinh lời và độ an toàn. Một khảo sát của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra thông tin đáng chú ý khi có tới 38% nhà đầu tư muốn rót tiền vào bất động sản, sau đó mới tới các kênh đầu tư khác.

Một chuyên gia về BĐS nhận định, kinh tế Việt Nam đang giữ nhịp và sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn nên nhu cầu đầu tư vào mua bất động sản đang tăng trở lại. Lực cầu của thị trường bất động sản đang tăng mạnh do sự chuyển dịch đầu tư từ các ngành kinh tế. Ngoài ra, với động thái Ngân hàng Nhà nước 3 lần cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khôi phục nền kinh tế, lãi suất ngân hàng đang thấp nhất trong 15 năm qua. Mức lãi suất này đem lại nhiều lợi ích cho người mua đầu tư và ở thực. Thị trường đang hội tụ nhiều yếu tố có lợi cho việc đầu tư.

Nguồn hàng khan hiếm

Một nghịch lý của thị trường bất động sản là trong khi lực cầu rất dồi dào thì thị trường lại khan hiếm sản phẩm đầu tư do động thái siết chặt việc cấp phép dự án của các cơ quan chức năng. Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đến hết quý 3/2020, cả nước có gần 80.000 sản phẩm chào bán trên thị trường nhưng 70% trong đó là lượng hàng tồn từ các năm trước. Nguồn cung mới trong 3 quý đầu năm 2020 chỉ đạt trên 20.000 sản phẩm. Con số này chỉ đạt 35% so với năm 2019 và đạt 20% so với năm 2018.

Phân khúc thấp tầng cũng nằm trong mạch sụt giảm nguồn cung trầm trọng trên. Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý 2/2020 của Savills nêu rõ sự sụt giảm của phân khúc này khi chỉ có 8 dự án mới được triển khai và giai đoạn mới của 2 dự án, cung cấp khoảng 790 căn thấp tầng, giảm -44% theo năm. Sang quý 3, thị trường Hà Nội ghi nhận 3 dự án mới được triển khai và giai đoạn tiếp theo của 3 dự án khác, cung cấp cho thị trường khoảng 430 căn, giảm -46% theo quý.

Cũng theo số liệu của Savills, tại TP.HCM, tình hình cũng không khá khẩm hơn. Nguồn cung sơ cấp thấp tầng trong 6 tháng đầu năm ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, giảm -43% theo năm.

Đáng chú ý, dữ liệu thị trường của Batdongsan.com.vn năm 2020 cho biết bất động sản xa trung tâm đang thu hút mối quan tâm lớn của người tìm mua. Ngày càng có nhiều người mua quan tâm, tìm hiểu các vùng ven so với trước đại dịch Covid-19, trong khi các khu vực càng gần trung tâm thành phố chứng kiến sự suy giảm lượng tìm kiếm. Phân khúc thấp tầng vốn phát triển mạnh ở vùng ven do lợi thế quỹ đất lại khan hiếm nguồn cung trong khi dòng tiền đầu tư đang đổ mạnh về đây.