25/12/2024

Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa có báo cáo về tình hình cơ cấu lại DNNN 08 tháng đầu năm 2021, đánh giá thực hiện cân đối nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cho Ngân sách nhà nước năm 2021, dự kiến năm 2022 và định hướng giải pháp giai đoạn 2021 – 2025.

Theo báo cáo, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021 dự kiến không đạt kế hoạch đề ra. Trong 08 tháng đầu năm 2021, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ) là 366 tỷ đồng trong khi dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch thu tiền từ bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp do Trung ương quản lý năm 2021 là 40.000 tỷ đồng.

Trong 08 tháng đầu năm 2021, có 03 doanh nghiệp (không thuộc kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020) được phê duyệt phương án cổ phần hóa; các Tập đoàn, tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng, trong đó có 03 doanh nghiệp thuộc kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020 thực hiện thoái vốn giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng.

Cục Tài chính doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch thoái vốn trong năm 2022 dự kiến tại 06 doanh nghiệp do SCIC quản lý, thực hiện công tác thoái vốn ngay từ quý I/2022 bao gồm: 

(1) Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco (mã SAB – giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá là 2.308 tỷ đồng),

(2) Tập đoàn FPT (giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 460,1 tỷ đồng),  

(3) Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã BMI – giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 463,1 tỷ đồng), 

(4) Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (mã NTP – giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 437 tỷ đồng), 

(5) Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (mã VNR – giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 529 tỷ đồng), 

(6) Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam  (giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 160 tỷ đồng).