27/12/2024

Ngày 7/01/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin các kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2020 và triển khai các nhiệm vụ của Ngành năm 2021. 

Tại cuộc họp, ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (CSTT) NHNN cho biết, đến ngày 28/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 13,26% so với cuối năm 2019. Trong năm 2020, NHNN đã giảm 03 lần đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5-2,0%/năm, là 1 trong số các nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất khu vực ASEAN.

Về điều hành tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, năm 2020, tăng trưởng và mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến 31/12/2020, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 12,13% so với cuối năm 2019.

Bước sang năm 2021, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19 được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng. Điều hành CSTT năm 2021 tiếp tục kiên định quan điểm của Chính phủ là điều hành CSTT một cách linh hoạt, tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá ổn định. Trên cơ sở cân đối, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 là khoảng 12%, gần tương đương với kết quả tăng trưởng tín dụng của năm 2020 là 12,13%. Đây là con số định hướng trong điều hành, NHNN sẽ có điều chỉnh khi cần thiết.

Hiện NHNN đang trình Thủ tướng Chính phủ nội dung sửa đổi Thông tư 01/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi dựa vào nguồn lực của các TCTD.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết cuối năm của VietinBank, Phó Thống đốc cho biết tinh thần của Thông tư 01 sửa đổi phải đáp ứng hai yêu cầu là tiếp tục cơ cấu nợ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo năng lực tài chính cho ngân hàng và tránh rủi ro cho tương lai. Hai yêu cầu này có thể đối lập nhau nhưng Phó thống đốc cho biết, tinh thần sửa đổi Thông tư 01 sẽ hài hoà giữa hai yếu tố này.