25/12/2024

Chỉ 8 tháng sau khi ăn mừng vì thoát hiểm “trong gang tấc” một thảm hoạ tài chính, tỷ phú địa ốc Trung Quốc Hui Ka Yan lại đang ở trong tình trạng khủng hoảng.

Nỗi lo mới lại xuất hiện về sức khoẻ của China Evergrande Group – công ty bất động sản mà ông Hui nắm quyền kiểm soát – khiến giá cổ phiếu của công ty này rớt về gần mức đáy thiết lập vào tháng 3/2020. Nhà đầu tư cũng bán tháo trái phiếu Evergrande sau khi một số chi nhánh công ty chậm thanh toán những lô trái phiếu đáo hạn và có thông tin nói rằng nhà chức trách đang điều tra mối quan hệ của Evergrande với một ngân hàng ngầm ở miền Bắc Trung Quốc.

NGUY CƠ ĐỐI VỚI TOÀN BỘ NỀN KINH TẾ

Đây là một bước thăng trầm nữa của ông Hui, vị tỷ phú luôn có sự trồi sụt tài sản cực mạnh, ngay cả xét trên tiêu chuẩn của một thị trường chứng khoán có độ biến động cao như Trung Quốc. Khối tài sản ròng của ông Hui hiện ở mức 19 tỷ USD, giảm khoảng 1/3 so với ở thời điểm ông ký được một thoả thuận với các nhà đầu tư vào tháng 9/2020 để đưa công ty thoát khỏi tình trạng cạn tiền mặt. So với mức đỉnh của năm 2020, giá trị tài sản ròng của ông Hui đã giảm một nửa – theo dữ liệu từ xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index.

Những rắc rối tài chính của Evergrande và ông Hui có khả năng còn lan rộng hơn. Với 1,95 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 305 tỷ USD) nghĩa vụ nợ – trong đó có trái phiếu USD nằm trong danh mục của các nhà đầu tư từ Hồng Kông, London tới New York – Evergrande là công ty bất động sản nặng nợ nhất thế giới. Ngoài ra, công ty này cũng là một trong những doanh nghiệp vay nợ có tầm quan trọng lớn nhất đối với hệ thống ở Trung Quốc.

Nếu ông Hui không lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, một cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể loang rộng trong hệ thống tài chính của Trung Quốc, thậm chí xa hơn. Rủi ro này đã lên cao tới mức đủ để nhà chức trách Trung Quốc gần đây yếu cầu các ngân hàng tiến hành một đợt kiểm tra sức khoẻ (stress test) mới đối với những khoản vay đã cấp cho Evergrande – công ty được định hạng tín nhiệm ở ngưỡng “rác” (junk).

“Nếu Evergrande gặp rắc rối, việc đó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản và toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc nói chung”, giáo sư Lan Deng thuộc Đại học Michigan, một người nghiên cứu về ngành địa ốc Trung Quốc, nhận định. “Không chỉ các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro tài chính lớn hơn, mà có thể còn có ảnh hưởng dây chuyền lan rộng nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế Trung Quốc, xét tới việc nền kinh tế nước này có mối ràng buộc sâu sắc như thế nào với ngành bất động sản”.

KHÔNG CÒN “QUÁ LỚN ĐỂ ĐỔ VỠ”

Tuy nhiên, ông Hui có một số lựa chọn để đưa Evergrande trở lại vị thế tài chính vững vàng hơn.

Những tháng gần đây, công ty này đã huy động được hàng tỷ USD tiền vốn bằng cách bán cổ phần trong một số công ty con về quản lý bất động sản và ô tô điện. Công ty ô tô điện của Evergrande được định giá cao hơn cả vốn hoá của hãng xe Nhật Bản Nissan, cho dù chưa bán được chiếc xe nào. Ngoài ra, Evergrande cũng có nhiều công ty con khác có thể lên sàn chứng khoán, bao gồm một công ty nước đóng chai và một sàn giao dịch nhà và ô tô online.

Bên cạnh đó, Evergrande cũng đang hưởng lợi từ “cơn sốt” bất động sản ở Trung Quốc – theo giáo sư tài chính địa ốc Maggie Hu thuộc Đại học Trung Hoa Hồng Kông. Công ty này đã thu về gần 52 tỷ Nhân dân tệ tiền mặt trong tháng 5 nhờ doanh số bán nhà tăng 6%. Evergrande cũng có thể giải phóng thêm tiền mặt bằng cách giảm bớt việc mua đất và bán bớt một số tài sản bất động sản đầu tư và tài sản du lịch – theo chuyên gia Edwin Fan của Fitch Ratings.

Dù vậy, số phận của Evergrande cuối cùng tuỳ thuộc nhiều vào việc liệu cơ quan chức năng Trung Quốc có cho phép các ngân hàng tiếp tục cấp vốn cho công ty này hay không. Khoảng 81% số nợ đáo hạn của Evergrande trong năm 2021 là tiền vay ngân hàng, theo nhà phân tích Kristy Hung của Bloomberg Intelligence.

Một biến động lớn ở Evergrande trong thời gian sớm là điều khó xảy ra, bởi Trung Quốc ưu tiên ổn định trước thềm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản nước này vào ngày 1/7. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã thể hiện mức độ sẵn sàng ngày càng lớn để các công ty khổng lồ thất bại – thay vì cứu bằng mọi giá như trước đây – nhằm kiềm chế sự liều lĩnh và bất cẩn của các doanh nghiệp như vậy.

HNA Group Co. – từng được xem là một trong những doanh nghiệp có quan hệ rộng rãi nhất ở Trung Quốc – hiện đang ở trong một cuộc tái cơ cấu có sự kiểm soát của toà án đối với khối 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Một số công ty bất sản Trung Quốc đã lâm cảnh vỡ nợ trong những tháng gần đây và đang có nhiều câu hỏi về tương lai của China Huarong Asset Management – công ty quốc doanh về quản lý nợ xấu khiến giới đầu tư hoảng sợ gần đây vì không công bố báo cáo tài chính năm 2020. Cả Huarong và Evergrande đều đang có dư nợ trái phiếu USD khoảng 21 tỷ USD.

Ông Hui đã đưa Evergrande từ một công ty bất động sản vô danh ở Quảng Đông trở thành một trong những doanh nghiệp địa ốc lớn nhất thế giới, một phần nhờ tranh thủ niềm tin của các chủ nợ rằng một công ty như thế là “quá lớn để đổ vỡ” (too big to fail). Nhưng giờ đây, sự đặt cược đó không còn là một điều chắc chắn nữa.