28/12/2024

Cảm ơn sự đón tiếp của Thủ tướng Lý Hiển Long và nước chủ nhà Singapore, bà Harris nhấn mạnh Mỹ có mối quan hệ lâu dài và bền vững với Singapore. Ngoài ra, Phó Tổng thống Mỹ cũng khẳng định tầm quan trọng trong mối quan hệ giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á xung quanh lợi ích của các bên, đặc biệt là khả năng hợp tác trong các vấn đề sức khỏe toàn cầu.

Bà Harris cũng nhắc đến cái gọi là “kỷ nguyên mới” – được định nghĩa bởi một loạt các vấn đề như đại dịch và sức khỏe toàn cầu, khủng hoảng khí hậu và an ninh mạng. Mỹ và Singapore đã hợp tác để giải quyết những vấn đề này nhưng cùng chia sẻ mong muốn tăng cường quan hệ đối tác và gia tăng hợp tác trong tương lai.

“Hôm nay, chúng tôi ở đây để nhấn mạnh và tái khẳng định mối quan hệ lâu dài của Mỹ với Singapore và khu vực Đông Nam Á đồng thời củng cố tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đồng thời, chúng tôi cũng tái khẳng định lợi ích chung của mình với hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á”, bà Harris cho biết.

Hiện tại, Mỹ và Singapore đã thảo luận về vấn đề sức khỏe toàn cầu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác cùng nhau nhằm chấm dứt đại dịch này và ngăn chặn các đại dịch khác trong tương lai.

“Ngay từ ngày đầu, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định về tầm quan trọng trong việc tiêm chủng cho người Mỹ. Chúng tôi cũng cam kết trở thành kho vắc xin cho thế giới. Đó là lý do tại sao chúng tôi cung cấp hàng triệu liều vắc xin cho các nước trong khu vực Đông Nam Á”, bà Harris chia sẻ.

Bên cạnh vấn đề dịch bệnh, Mỹ và Singapore cũng đã thảo luận về tầm quan trọng của quan hệ đối tác với sự thịnh vượng của 2 quốc gia và toàn khu vực. Dịch bệnh không chỉ làm tổn thương sức khỏe con người, hạnh phúc của các gia đình, kế sinh nhai của người lao động, kéo tụt tăng trưởng của các nền kinh tế mà còn phơi bày sự dễ bị tổn thương trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Chẳng cần thắc mắc gì nữa, chuỗi cung ứng là yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể tìm thấy nguồn nguyên liệu để sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, bà Harris nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì chuỗi cung ứng thông suốt.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chip ngay lập tức được nêu ra như ví dụ cho những thiệt hại của một chuỗi cung ứng bị tổn hại do đại dịch. Không chỉ ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp và những doanh nghiệp, cuộc khủng hoảng này còn ảnh hưởng trực tiếp tới từng hộ gia đình và bản thân người tiêu dùng.

“Vì vậy, làm việc cùng các đối tác như Singapore để tăng cường khả năng của chuỗi cung ứng là rất quan trọng. Nó không chỉ đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng mà còn giữ việc cho người Mỹ, đảm bảo các gia đình được nuôi sống bằng thu nhập”, bà Harris cho hay.

Theo đó, bà Harris sẽ có cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chủ chốt của Singapore nhằm thảo luận về việc củng cố chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Mỹ và Singapore cũng đã nhất trí về một cuộc đối thoại giữa 2 nước nhằm hợp tác tốt hơn trong việc khôi phục chuỗi cung ứng trong khu vực.

Vấn đề an ninh cũng là một trọng tâm trong cuộc gặp giữa bà Harris và Thủ tướng Lý Hiển Long. Bà Harris đã tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và đảm bảo quyền tự do hàng hải, bao gồm cả ở Biển Đông.

Bà Harris sau đó cũng sẽ tới thăm Căn cứ Hải quân Changi, một biểu tượng cho sự hợp tác an ninh giữa Mỹ và Singapore.

Ngoài ra, Mỹ và Singapore cũng nhất trí hợp tác để giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng từ các cuộc tấn công mạng. Hai nước cũng nói về sự cần thiết phải “phối hợp cùng nhau để giải quyết các cuộc khủng hoảng khí hậu. Bà Harris nhấn mạnh mình đã không còn dùng từ “thay đổi khí hậu” nữa mà thay vào đó là “khủng hoảng khí hậu”.

Cuối bài phát biểu, Phó Tổng thống Kamala Harris tiếp tục nhắc lại cam kết của Mỹ trong việc gắn bó lâu dài với Singapore, Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.