27/12/2024

Mặc dù có sự trầm lắng trong Quý IV/2020 sau khi Nghị định 81/2020 có hiệu lực, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhìn chung vẫn diễn ra rất sôi động trong năm 2020 với giá trị phát hành mới đạt 429,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,3% so với năm 2019.

Quy mô phát hành mới này đã giúp cho thị trường TPDN đạt quy mô 950,3 nghìn tỷ đồng (trong tổng số hơn 1,2 triệu tỷ đồng đã phát hành 5 năm qua), tương đương 15,1% GDP và 10,3% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng vào cuối năm 2020.

Mức lãi suất bình quân danh nghĩa được chào bán bởi các nhà phát hành trong năm 2020 ở mức 9,9%, tăng trung bình 90 điểm cơ bản so với năm 2019.

Hình thức phát hành năm 2020 chủ yếu vẫn là phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư tổ chức, nhất là các ngân hàng thương mại. Fiin nhận định, đây là một phần trong chiến lược vốn để các doanh nghiệp cơ cấu lại cấu trúc vốn, đa dạng hóa kênh huy động và đặc biệt là để phù hợp với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dòng tiền từ kinh doanh suy giảm do các ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Kỳ hạn bình quân của TPDN năm 2020 ở mức 4,3 năm. Trong đó, kỳ hạn trái phiếu dài nhất thuộc về lĩnh vực Năng lượng với mức trung bình 8 năm, thể hiện tính chất dài hạn của các dự án sản xuất điện.

Các doanh nghiệp bất động sản vẫn là những nhà phát hành lớn nhất với giá trị 162 nghìn tỷ đồng (chiếm 38,5% tổng giá trị phát hành) tăng 100,1% so với năm 2019. Mặt khác, trái phiếu của nhóm này có xu hướng kéo dài kỳ hạn hơn, với mức trung bình khoảng 3,8 năm, dài hơn 1 năm so với năm 2019. Điều này cũng thể hiện nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp BĐS, cũng như những ảnh hưởng bởi triển vọng của ngành và những tác động của yếu tố dịch bệnh tới việc phải cơ cấu kỳ hạn dài hơn của các nhà phát hành TPDN trong ngành BĐS.

Trong khi đó, ngành ngân hàng lại duy trì được mức lãi suất thấp nhất trong các ngành ở mức bình quân 6,7% trong năm 2020 với kỳ hạn bình quân 4,5 năm.

Ở các nhóm ngành còn lại, bên cạnh nhóm ngân hàng và các tổ chức tài chính (chiếm 31,6% tổng giá trị phát hành), lĩnh vực năng lượng cũng đang thu hút được sự chú ý với các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, với giá trị phát hành của lĩnh vực này đạt 33,8 nghìn tỷ, tăng 193,1% so với năm 2019.

Về dài hạn, nhóm nghiên cứu dự báo kênh huy động qua TPDN vẫn sẽ phát triển mạnh và quy mô sẽ sớm tiệm cận với quy mô thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, riêng trong năm 2021 thì quy mô phát hành mới sẽ không lớn như năm 2020 do hoạt động phát hành riêng lẻ sẽ giảm đi và hình thức chào bán ra công chúng sẽ tăng lên đáng kể. Lý do nằm ở cả phía cung và phía cầu của thị trường này.

Ở góc độ cung, nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là rất lớn, và kênh huy động qua TPDN vẫn sẽ phát triển mạnh trong năm 2021 và các năm tới đây với hai nguyên do chính, gồm: Năng lực đáp ứng vốn trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại là không đủ trong khi chủ trương chung của các cơ quan chính sách trong đó có NHNN vẫn là ưu tiên kênh vốn trung và dài hạn qua kênh TPDN và qua huy động trên thị trường cổ phiếu.

Ngoài ra, số liệu của Fiin cũng chỉ ra rằng rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chịu tác động của COVID-19 làm ảnh hưởng tạm thời đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Do đó, nhu cầu tái cấu trúc kỳ hạn nguồn vốn nợ vay theo hướng dài hạn hơn để phù hợp với dòng tiền kỳ vọng từ kinh doanh là rất lớn. Điều này đặc biệt cần thiết với các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp và khó có khả năng được ngân hàng gia hạn hay tăng hạn mức tín dụng trong bối cảnh hiện nay.

Ở góc độ cầu, nhu cầu đầu tư và sở hữu trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng lên trong môi trường lãi suất ở mức thấp kỷ lục và được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong vài năm tới đây. Tuy nhiên, các quy định mới ví dụ giới hạn người mua trái phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ làm thay đổi đáng kể khả năng hấp thụ nguồn cung trái phiếu đó trong năm 2021 này.