24/12/2024

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa xây dựng dự thảo trình Thủ tướng Đề án “Khuyến khích khu vực đầu tư nước ngoài mua phần vốn tại doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban là đại diện chủ sở hữu để góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao”.

Theo Ủy ban, khi có sự tham gia của NĐTNN, một số Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc Ủy ban đã có kết quả kinh doanh tích cực hơn như Petrolimex trở thành doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn thuộc top VN30; cơ cấu cổ đông hiện tại có hơn 100 quỹ, tổ chức nước ngoài; vốn hóa thuộc nhóm các công ty lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Vietnam Airlines (VNA) có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là ANA giúp VNA nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh, giá trị thương hiệu của VNA cũng như mở rộng các cơ hội tốt hơn khi tiếp cận nguồn vốn từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Việc ANA trở thành cổ đông chiến lược đã góp phần cải thiện tình hình tài chính của VNA, nhưng những lợi ích hai bên nhận được từ hợp tác chiến lược đóng vai trò quan trọng và lâu dài.

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia mua phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc Ủy ban vẫn còn tồn tại một số hạn chế như Các trường hợp thoái vốn chưa thực sự nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư; Một số trường hợp có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhưng quá trình mua, bán vốn lại không thành công; Một số doanh nghiệp có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài nhưng với tỷ lệ sở hữu thấp, với vai trò là nhà đầu tư tài chính (không phải là nhà đầu tư chiến lược), không đủ điều kiện chi phối, không tham gia hoặc ít có ảnh hưởng trong công tác điều hành, hạn chế trong việc cải thiện, chuyển giao công nghệ tiên tiến, không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Ngoài ra, hiện nay pháp luật về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa được quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ; chưa có quy định tách bạch đối với trường hợp lựa chọn NĐTCLNN tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn. Ngoài ra, pháp luật về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mới chỉ tập trung vào việc quy định nghĩa vụ, trách nhiệm mà nhà đầu tư phải thực hiện, chưa quy định về những quyền lợi, lợi ích và cơ chế hoạt động cho nhà đầu tư.

Giải pháp khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần

Các giải pháp khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra gồm có:

+ Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật điều chỉnh việc bán cổ phần cho NĐTCLNN. Theo đó, để đảm bảo đầy đủ cơ sở về mặt pháp lý cho việc thực hiện bán cổ phần của nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần cho NĐTCL, cần bổ sung quy định về việc lựa chọn và trình tự, thủ tục bán cổ phần cho NĐTCL.

Ủy ban sẽ xây dựng phương án xác định mức giá mà nhà đầu tư phải trả khi mua cổ phần lần đầu để nhà đầu tư có đủ cơ sở xem xét, quyết định việc ký kết hợp đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư tham gia với vai trò chiến lược, với khối lượng cổ phần đặt mua lớn sẽ kỳ vọng giá mua thành công sẽ không cao hơn mức giá của cuộc đấu giá công khai bán cho các nhà đầu tư tài chính nhỏ lẻ. Do đó, việc quy định giá bán cho NĐTCL không thấp hơn giá đấu thành công bình quân theo kết quả của cuộc đấu giá công khai ra công chúng là chưa phù hợp với thông lệ thị trường.

Đối với thời gian lựa chọn NĐTCL (bao gồm NĐTCLNN), đề nghị xem xét điều chỉnh quy định về thời hạn đăng ký của NĐTCL theo hướng gia hạn thêm thời gian để các NĐTCL, đặc biệt là NĐTCLNN có thời gian rà soát, phân tích, đánh giá trước khi đưa ra quyết định. Ngoài ra, để quá trình IPO không bị chậm lại do phải hoàn thành việc tổ chức đăng ký mua cổ phần của NĐTCL trước, đề nghị xem xét, cho phép triển khai song song việc tổ chức đăng ký mua cổ phần của NĐTCL và thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng với khối lượng cổ phần bán ra theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt.

Ủy ban cũng đề nghị điều chỉnh gia hạn thêm thời gian hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu (hiện đang quy định là 04 tháng) để phù hợp với thực tế triển khai.

+ Quy định cụ thể và công khai tỷ lệ sở hữu đối với NĐTCLNN tham gia mua cổ phần. Để tạo thuận lợi cho NĐTCLNN trong quá trình tìm hiểu để đầu tư mua cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước nói chung và doanh nghiệp Ủy ban nói riêng, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành danh mục tổng hợp đầy đủ tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐTNN đối với các ngành, nghề kinh doanh.

+ Đẩy nhanh triển khai việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS.

+ Ngoài ra Ủy nam cũng đề xuất giải quyết vướng mắc kỹ thuật khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn như vấn đề đặt cọc, đồng tiền thanh toán (có thể bằng USD, hay vì VNĐ), công bố thông tin bằng tiếng Anh; Mở data room cấp quyền truy cập cho các NĐTNN muốn tìm hiểu thông tin, nghiên cứu, soát xét chuyên sâu…

+ Cơ chế ưu đãi cũng cần được xem xét, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả nhằm thu hút NĐTCLNN tham gia vào công tác quản trị doanh nghiệp, giúp cải thiện, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Lộ trình thực hiện theo 2 giai đoạn

Theo đề án, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đặt lộ trình khuyến khích khu vực đầu tư nước ngoài mua phần vốn tại doanh nghiệp nhà nước thành hai giai đoạn.

Giai đoạn 2021 – 2025: Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật riêng cho hoạt động bán vốn cho NĐTCLNN.

Theo đó, Ủy ban sẽ xây dựng quy trình lựa chọn NĐTCLNN mua phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp nhà nước.

Ban hành danh mục các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh hạn chế tiếp cận; Danh mục các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh được phép tiếp cận, điều kiện tiếp cận, tỷ lệ cho phép nắm giữ vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp trong ngành, nghề, lĩnh vực với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Đưa ra các chính sách ưu đãi, điều kiện ràng buộc đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mua phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Trên cơ sở danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn 2021-2025, Ủy ban xem xét, lựa chọn trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp để triển khai bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Giai đoạn 2026 – 2030: Ủy ban sẽ xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa, bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài với vai trò là nhà đầu tư chiến lược trong từng thời kỳ (danh mục doanh nghiệp, thời hạn bán vốn, tỷ lệ nắm giữ, các điều kiện chính đối với nhà đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư chiến lược). Thực hiện việc cổ phần hóa, bán vốn theo Danh mục được phê duyệt và quy định pháp luật.