25/12/2024

Đánh giá về nhóm nhà đầu tư tay to trên thị trường BĐS thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết gần một năm trở lại đây dưới tác động của dịch Covid-19 thị trường đang chứng kiến sự đổi chiều nhóm nhà đầu tư “những cánh chim đầu đàn”. Họ là những nhà đầu tư đã có 1 căn nhà, tham gia mua bán trên thị trường từ nhiều năm nay.

“Hai năm qua, có rất nhiều cánh chim đầu đàn đi các tỉnh phía Nam, vào TPHCM, lùng sục các thị trường BĐS ven biển Miền Trung đầu tư. Tuy nhiên, sau khi giá nhà tại TPHCM đã tăng lên cao, thị trường BĐS nghỉ dưỡng rơi vào giai đoạn thoái trào những cánh chim đầu đàn này đang có xu hướng trở về quê hương – Hà Nội”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia này, đội ngũ nhà đầu tư lâu năm họ thường rất nhạy bén, họ lựa chọn rất kỹ những tài sản thực sự có giá trị để đầu tư. Chính bởi lý do này thời gian vừa qua có một làn sóng nhà đầu tư đổ tiền vào BĐS làng nghề vùng ven Hà Nội, các khu đô thị ven đô và những thị trường BĐS tỉnh có hạ tầng phát triển…với những sản phẩm chắc chắn có lời với mức giá còn rẻ.

Thực tế cho thấy, thời gian qua đã có những nhóm nhà đầu tư tay to thắng lớn sau hàng loạt cơn sốt đất tại Ba Vì, Hòa Bình, Thanh Hóa, Móng Cái, Vân Đồn, Bắc Ninh, Hải Dương…Họ là những nhà đầu tư vào thị trường từ khi giá mới bắt đầu nhen nhuốm tăng và khi đạt tới điểm giới hạn tăng 30-70% cũng là thời điểm họ rút khỏi thị trường.

“Nhà đầu tư tay to thường để mục tiêu tăng giá đâu đó quanh ngưỡng 50%, đạt đến mục tiêu họ sẵn sàng bán rồi rút đi, họ ít khi mạo hiểm ở lại đến đỉnh của cơn sốt. Những người ở lại hưởng mức giá cao nhất thường là những người vào sau khi giá đã được đẩy lên cao chính vì thế mục tiêu lợi nhuận của họ bao giờ cũng dài hơn một chút so với diễn biến cơn sốt thật. Khi thị trường bất thình lình tụt dốc họ không kịp rút chân và chịu thiệt hại lớn”, ông Nguyễn Thọ Tuyển, chuyên gia lâu năm trên thị trường BĐS cho biết.

“Từ cơn sốt đất Đà Nẵng, Nha Trang đã cho thấy, sau khi hàng loạt nhà đầu tư Hà Nội đã chốt lãi xong rút đi thì thị trường mới bắt đầu lập đỉnh và nhanh chóng hạ nhiệt. Nhà đầu tư chịu thiệt hại nhiều nhất trong cơn sốt đất lại chính là những người dân địa phương. Họ vào khi thị trường đã bị đánh lên cao và bị một đòn đau khi cơn sốt bất ngờ hạ nhiệt. Cứ như thế, những nhà đầu tư lâu năm, những cánh chim đầu đàn đi hết vùng đất này đến vùng đất khác và để lại sau lưng những cơn sốt đất nhanh chóng hạ nhiệt”, ông Tuyển chia sẻ.

Từ phía nhà đầu tư, chị Lê Thương cho biết dịch Covid tưởng chừng thị trường sẽ khó khăn nhưng đây lại là giai đoạn tăng trưởng mạnh của BĐS và chị cũng nhanh tay chốt lãi được khoản lời lớn. Nhớ lại đầu năm 2020, chị Thương lao vào bất động sản Móng Cái một cách chóng vánh, có thông tin thị trường tiềm năng là chị lên xe đi thẳng ngay lên và chốt mua 2 lô đất 4 tỷ đồng chỉ sau một cú điện thoại chóng vánh trên xe ô tô. Thậm chí, thấy tiềm năng chị còn kêu mua chung 3 lô đất khác cùng với bạn bè. Chưa đầy nửa tháng sau, mỗi lô chị chốt lãi được hơn 300 triệu, do khách trả tiền chênh bằng tiền mặt nên chị đành đóng luôn gần 2 tỷ trong thùng carton chuyển về Hà Nội chia từng bó cho bạn bè.

Cũng kiếm đậm được từ đất ven đô Hà Nội hồi đầu năm 2020, anh Trần Vinh cho hay sau khi giá nhà đất tại TPHCM đã tăng cao, anh rút về Hà Nội. Thời điểm ấy, đất các khu đô thị ven Hà Nội bắt đầu có hiện tượng tăng trở lại sau gần 10 năm bị bỏ quên. Với kinh nghiệm đầu tư tại thị trường TPHCM, anh Vinh dự đoán giá sẽ còn tiếp tục tăng mạnh. Vì thế, anh Vinh bỏ gần 10 tỷ chốt luôn 2 căn biệt thự song lập hơn 200m2 tại khu vực Hoài Đức và Mê Linh với giá 35 triệu đồng/m2 và 16 triệu đồng/m2. 

“Ban đầu mình mua với tâm thế giữ tiền cũng xác định sẽ tăng nhẹ nhàng 10-20%/năm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, đất Hà Nội tăng nóng, hai lô đất anh mua đã tăng lên gần 70%. Xác định lãi nên tôi bán luôn vì thấy tình hình dịch Covid-19 phức tạp có giữ tiếp tốc độ tăng giá cũng sẽ khó cao. Căn biệt thự tại Hoài Đức tôi lãi 5 tỷ còn căn ở Mê Linh cũng bỏ túi được 1,5 tỷ đồng”, anh Vinh nói.

Chia sẻ thêm về kế hoạch đầu tư thời gian tới, anh Vinh cho biết kinh nghiệm sau mỗi đợt dịch Covid-19 bùng lên bất động sản lại sốt. Đợt dịch Covid lần thứ 5 này nhiều khả năng sẽ không ngoại lệ. Tuy nhiên, các thị trường đã tăng mạnh ở những đợt Covid trước kia sẽ khó có dư địa tăng giá mạnh. Nhà đầu tư sẽ dạt về những thị trường xa hơn một chút nhưng chưa bị tăng giá. Tiết lộ thêm về các thị trường này, nhà đầu tư tay to cho biết Thái Bình, Nam Định, Hà Nam… thậm chí xa hơn là Mộc Châu, Yên Bái, Lạng Sơn là những cái tên ít được nhắc đến ở các cơn sốt trước nên rất có thể sắp tới sẽ là tâm điểm cho các nhà đầu tư.

Thực tế, hiện nay một lướng lớn nhà đầu tư tay to hiện nay đang âm thầm tìm kiếm những vùng đất mới để tiếp tục đổ tiền lãi đã chốt ở các khoản đầu tư trước. Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư có hàng cũ còn mắc do đợt covid thứ 5 bùng phát vẫn tiếp tục găm hàng. Họ vẫn đặt niềm tin lớn ở thị trường BĐS cuối năm 2021 vì thế không có dấu hiệu muốn giảm giá, cắt lỗ để thoát hàng. 

Trước những thông về việc thị trường sẽ khó sốt đất ở giai đoạn cuối năm do hiện nay hàng loạt các tỉnh thành đã ra thông báo khẩn ngăn chặn tình trạng tăng giá đất, trao đổi với chúng tôi một nhà đầu tư tay to trên thị trường BĐS cho biết thị trường sốt nóng do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là cung ít – cầu nhiều. Chính vì thế, việc dùng văn bản hành chính để điều tiết thị trường sẽ chỉ có tác dụng đối với những sản phẩm BĐS kém chất lượng, những thị trường sốt ảo, còn ở đâu có nhu cầu thật, ở đó giá sẽ vẫn tăng. “Đất đai là hữu hạn trong khi nhu cầu là vô hạn, nên về lâu dài đầu tư BĐS luôn là kênh sinh lời bền vững”, nhà đầu tư này khẳng định.