28/12/2024

Thực tế trong hơn 1 năm qua, cho thấy, nhờ việc đẩy mạnh số hóa, hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện vẫn duy trì sự ổn định, đảm bảo giao dịch thông suốt, an toàn và mang về lợi nhuận tích cực.

Tăng tốc chuyển đổi số

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về thị trường, nguồn lực và chính sách để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và ngân hàng số lên một tầm cao mới. Trong đó, các ngân hàng năng động về công nghệ và chiến lược chuyển đổi số đã mang đến những tiện ích, dịch vụ và công nghệ ngày càng tối ưu.

Là một trong những ngân hàng tiên phong số hóa, từ nhiều năm qua, HDBank đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, nền tảng thanh toán, bên cạnh việc chuẩn bị 2 yếu tố quan trọng khác là con người và quy trình.

Tại HDBank, sự ra đời của Trung tâm Chuyển đổi số (DTC) vào năm 2020 đánh dấu bước đi mạnh mẽ của ngân hàng trong chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2025. Song song với DTC, Khối Công nghệ thông tin & Ngân hàng điện tử (Khối CNTT & NHĐT) cũng đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự có thế mạnh về công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo AI, Big Data, Blockchain, kỹ năng làm việc nhóm và sử dụng tốt ngoại ngữ. Đó là những tiêu chuẩn cần có của đội ngũ cốt cán của các dự án chuyển đổi số tại HDBank, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và cả thời kỳ sau dịch bệnh, khi xu hướng Remote Job (làm việc từ xa) đang được HDBank bước đầu triển khai và mang lại hiệu quả tích cực.

Nhờ vậy, thời gian qua, HDBank đã tăng tốc triển khai số hóa một cách đồng bộ với các dự án trọng điểm như: số hóa hành trình khách hàng tại quầy; số hoá hành trình khách hàng trực tuyến với các công nghệ tiên phong như eKYC, eKYC nâng cao tích hợp xác thực qua video call…; số hóa hệ thống truyền thông nội bộ; thu thập dữ liệu lớn; tự động hoá quy trình bằng ứng dụng công nghệ RPA; trợ lý tổng đài ảo (Voice Bot) và Neo Bank Mobile App.