28/12/2024

Ngày 3/11, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường đã giúp VN-Index có thời điểm tăng lên sát ngưỡng 1.460 điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lãi diễn ra trên diện rộng từ cuối phiên sáng khiến VN-Index đảo chiều, chốt phiên giảm 8,16 điểm (-0,56%).

Hàng loạt cổ phiếu bất động sản, xây dựng vốn hóa vừa và nhỏ bị chốt lãi mạnh, đẩy nhiều mã giảm sàn như DIG, DRH, HDC, ITA, KBC, LDG…Lực bán mạnh còn lan rộng sang nhiều nhóm ngành có tính thị trường cao khác như chứng khoán, dầu khí…

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ sau một thời gian khá dài lặng sóng, với tất cả các mã tăng giá, có thể kể đến như TCB (+4,1%), STB (+4,7%), MBB (+2,6%), CTG (+1,9%), VPB (+2,3%), MSB (+6,2%), SHB (+0,2%), OCB (+6,9%), LPB (+6,8%), ACB (+2,1%)… điều này đã giúp cho thị trường chung không giảm mạnh.

Đáng chú ý, những diễn biến kịch tính, đảo chiều liên tục trong phiên giúp thanh khoản 3 sàn lên tới hơn 52,1 nghìn tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử.

SHS đánh giá việc thị trường điều chỉnh trở lại với mức giảm không thực sự mạnh (-0,56%) cùng với thanh khoản gia tăng cho thấy dòng tiền vẫn đang nằm trong thị trường, và diễn biến trong phiên 3/11 chỉ là sự xoay vòng của dòng tiền giữa các nhóm ngành khác nhau.

Trong kịch bản tiêu cực, SHS đánh giá nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng thì thị trường có thể lùi về vùng hỗ trợ 1.420-1.425 điểm để tìm kiếm lực cầu. Tương tự, cả SSI, BSC và Yuanta đều cho rằng tín hiệu trong phiên 3/11 cho thấy rủi ro chỉ số VN-Index sẽ xuất hiện một đợt điều chỉnh ngắn hạn.

Để có cái nhìn cụ thể về diễn biến trên của thị trường, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán.

Ông đánh giá như thế nào về diễn biến bùng nổ thanh khoản trong phiên 3/11?

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Mirae Asset: Việc thanh khoản bùng nổ đưa tới hai giả thuyết.

Một là tần suất giao dịch của nhà đầu tư đã tăng lên rất nhiều, trong phiên 3/11 đã có hiện tượng chuyển nhóm ngành từ nhóm bất động sản sang nhóm ngân hàng. Khả năng việc nhà đầu tư bán nhóm này và mua nhóm kia đã làm cho tổng KLGD của thị trường đạt kỷ lục.

Hai là xuất hiện dòng tiền mới tham gia bắt đáy khi trong phiên có sự điều chỉnh, trong đó có sự mua ròng của khối ngoại.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam: Phiên 3/11 ghi nhận sự phân hóa của thị trường rất rõ. Về dòng tiền, áp lực bán đã xảy ra tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, ngay lập tức dòng tiền chuyển sang nhóm vốn hóa lớn. Ngoài ra một phần biến động mạnh của thị trường trong phiên 3/11 còn liên quan đến yếu tố margin. Thời gian gần đây tình trạng margin trên thị trường rất căng, xảy ra đồng bộ trên nhiều công ty chứng khoán, lưu ý rằng lượng margin này chủ yếu tập trung tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, điển hình như nhóm bất động sản.

Ngoài ra, việc thanh khoản đạt kỷ lục cũng thể hiện năng lực của hệ thống giao dịch mới với tốc độ khớp lệnh tốt.

Liệu đây có phải là một phiên phân phối, thưa ông?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Theo tôi, đây chỉ là một đợt điều chỉnh bình thường chứ không phải là một phiên phân phối.

Ông Nguyễn Thế Minh: Đây không hẳn là phân phối, bởi một phiên phân phối thường sẽ là thị trường giảm rất mạnh kèm theo đó là thanh khoản tăng đột biến và độ rộng của thị trường rất xấu chứ không phải phân hóa như phiên 3/11. Chúng ta có thể thấy nhóm vốn hóa vừa và nhỏ bị bán chốt lời rất mạnh trong khi đó nhóm ngân hàng lại tăng mạnh, khi độ phân hóa của dòng tiền tiếp diễn thì đây không phải là một phiên phân phối.

Đây chỉ là một phiên đảo danh mục và dòng tiền vẫn ở lại thị trường, tương ứng với việc nhà đầu tư bán nhóm đã tăng mạnh để chuyển sang nhóm mới bắt đầu tăng.

Theo ông nhóm ngân hàng đã thực sự trở lại chưa?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Thực ra nhóm ngân hàng là một nhóm tăng trưởng chậm so với thị trường trong vòng vài tháng gần đây. Nếu như trong tháng 6 nhóm này tạo đỉnh với mức định giá P/B vào khoảng 2,6 lần thì đến thời điểm giữa cuối tháng 10 vừa qua đã chiết khấu khoảng 25-30%.

Trong thời gian gần đây, đặc biệt trong phiên 3/11, nhóm này còn bị ảnh hưởng bởi “Influential”, tức những người có ảnh hưởng, trong đó có chi tiết hoa hậu Mai Phương Thúy đánh giá về mã TCB, giới tài chính gọi đây là một Viral – một hiệu ứng của người có ảnh hưởng.

Dù vậy, theo quan điểm của tôi, nhóm này sẽ không kéo dài được sự tăng trưởng lâu, bởi nhóm ngân hàng muốn tăng phải đi kèm hai yếu tố là dòng tiền thực sự lớn để đẩy giá nhóm này lên và kết quả kinh doanh để làm bệ đỡ. Theo tôi quan sát, trong quý 4 tốc độ tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng sẽ không cao, dẫn đến lợi nhuận lũy kế sẽ thấp. Tóm lại, theo tôi nhóm ngân hàng đang thể hiện sự xoay chuyển ngắn hạn chứ chưa tạo thành “trend”.

Ông Nguyễn Thế Minh: Trong thời gian vừa qua, thực tế dòng ngân hàng không giảm xuống mà lại duy trì xu hướng đi ngang. Tôi vẫn giữ quan điểm khả năng xuống thêm của nhóm ngân hàng không còn cao nữa trong khi khả năng đảo chiều đi lên là rất lớn. Bên cạnh đó tôi cũng kỳ vọng rằng quý 3 sẽ là đáy về tình hình kinh doanh của nhóm này và sang đến quý 4 nhóm này sẽ tiếp tục tăng trưởng. Vì vậy, tôi nghiêng về khả năng giai đoạn này dòng bank sẽ quay trở lại.

Dự báo của ông về diễn biến tiếp theo của thị trường?

Ông Huỳnh Minh Tuấn: Sau biến động của phiên 3/11, khi tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn, theo tôi thị trường sẽ tích lũy trở lại.

Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi cho rằng sau phiên 3/11 thì khả năng điều chỉnh giảm của thị trường vẫn hiện hữu, VN-Index có thể lùi về vùng hỗ trợ thấp nhất là 1.420 điểm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hiện tại đây chỉ là những nhịp điều chỉnh chứ chưa thiết lập downtrend, sự điều chỉnh này là cần thiết sau giai đoạn tăng nóng. Một điểm tích cực là nhiều khả năng dòng tiền sẽ quay lại dòng bank và đây sẽ là trụ đỡ cho thị trường.

Xin cám ơn ông!