Bắc Giang, Thanh Hoá, Hải Phòng, Bình Phước hay một số khu vực phía Nam… cơn sốt đất đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Bên cạnh các NĐT thắng đậm trong cơn sốt đất thì theo một số chuyên gia trong ngành, số lượng NĐT bị bỏ lại sau cơn sốt đất không hề ít. Đặc biệt, thiệt hại nặng nề nhất vẫn là những NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính cao để “ôm đất” trong cơn sốt nhưng hiện chưa kịp thoát ra trước khi thị trường “xịt hơi”.
Những ngày qua, sau cơn sốt đất quay cuồng, thị trường BĐS một số khu vực phía Bắc như Bắc Giang, Hải Phòng… đã hạ nhiệt so với thời điểm đầu năm. Đất đai tại nhiều khu vực bắt đầu xuất hiện tình trạng giảm giá. Trước đó, đất ven khu công nghiệp tại Bắc Giang sôi động, đặc biệt là tại Tp.Bắc Giang, huyện Việt Yên và Yên Dũng.
Tại khu vực này, ven 4 Khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám, Song Khê Nội Hoàng, Quang Châu là điểm nóng của thị trường, giá dao động khoảng 25 – 40 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50 – 70% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3, với việc chính quyền bắt đầu siết chặt lại các hoạt động mua bán, thị trường đã bắt đầu chững lại. Đến thời điểm hiện tại đã có hiện tượng giảm giá trong việc rao bán của NĐT.
Tương tự, tại thị trường Thanh Hoá, cơn sốt đất chóng mặt tại các địa phương như thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Nghi Sơn và huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh,… đã có dấu hiệu chững lại trong khoảng gần 1 tháng qua.
Đơn cử như tại huyện miền núi Như Thanh là một trong những địa phương bùng lên cơn “sốt” đất được cho là khủng khiếp nhất từ trước đến nay nhưng đến giờ gần như không còn giao dịch nào. Được biết, giá đất tại địa phương này từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 4/2021 tăng 10 lần so với thông thường. Hiện đã hết tăng.
Các đối tượng “cò” đất ở xuất hiện ở khu vực này hay mọi giao dịch gần như không còn. Một số khu vực như Quảng Xương, Thọ Xuân “sốt đất” khủng khiếp sau Tết Nguyên đán hiện cũng trong tình cảnh vắng vẻ giao dịch.
Như vậy để thấy, cơn sốt đi qua nhanh chóng, nghĩa là khá nhiều NĐT ôm đất chưa kịp bán ra sẽ gặp khăn, thậm chí phải cắt lỗ, giảm giá nếu muốn thu hồi vốn. Những NĐT có tiền sẵn thì không đáng lo ngại nhưng NĐT vay ngân hàng “ôm đất” chắc chắn như “ngồi trên đống lửa” khi mà cơn sốt đi qua, không còn giao dịch trên thị trường.