24/12/2024

Với đặc thù của một khu du lịch sinh thái, Tân Dân hứa hẹn sẽ giúp người dân có thể duy trì ngành nghề truyền thống, song song với các cơ hội việc làm trong ngành dịch vụ.

Những năm 2000, Tĩnh Gia luôn nằm trong nhóm huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi chính quyền đề ra chương trình kinh tế biển với 4 chức năng: đô thị – công nghiệp – dịch vụ – du lịch, xác định rõ phải lấy kinh tế biển là mũi nhọn. Nhờ kinh tế biển, Tĩnh Gia hoàn toàn lột xác chỉ sau 2 thập kỷ.

Năm 2020, thị xã Nghi Sơn được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Tĩnh Gia. Mục tiêu mới được đặt ra là đưa thị xã Nghi Sơn – Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành trung tâm kinh tế, đô thị động lực của tỉnh và khu vực vào năm 2025; trở thành một trung tâm kinh tế, đô thị ven biển trọng điểm của cả nước vào năm 2030.

Song song với giữ gìn nghề đánh bắt cá truyền thống, phát triển khu kinh tế, định hướng phát triển kinh tế biển trong giai đoạn tiếp theo của Nghi Sơn rất coi trọng phát triển du lịch.

Là thị xã ven biển phía Nam của Thanh Hóa, Nghi Sơn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một bãi biển đẹp, bờ cát mịn cùng hệ sinh thái rừng thông hoang sơ ven biển. Có thể kể tới những bải biển đẹp như Hải Hòa, Hải Thanh, bán đảo Nghi Sơn. Bên cạnh đó, nơi đây còn có những làng nghề truyền thống nổi tiếng, những di tích, lễ hội tâm linh độc đáo như lễ hội Cầu ngư hay di tích pháo đài Tĩnh Hải…

Mặc dù vậy, du lịch tại Nghi Sơn chỉ mới bắt đầu được quan tâm trong khoảng 5 năm trở lại đây. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá và huyện Nghi Sơn nhận thấy để du lịch tại Nghi Sơn có thể phát triển đúng với tiềm năng, cần sự tham gia của các chủ đầu tư với tiềm lực tài chính vững mạnh cùng việc triển khai quy hoạch bài bản. Hiện tại, Nghi Sơn thu hút được nhiều nhà đầu tư với trên 15 dự án du lịch nghỉ dưỡng với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.