05/01/2025

Đối với các nhà đầu tư chứng khoán Hàn Quốc, 2021 là một năm chứng kiến sự xuất hiện của metaverse. 6 trong 10 cổ phiếu có thành tích tốt nhất TTCK nước này đều có liên quan đến metaverse hoặc NFT.

Các cổ phiếu bao gồm Wemade Max Co. đã tăng 1.500% khi nỗ lực trở thành một nhà phát triển game blockchain. Trong khi đó, công ty sản xuất hiệu ứng ảo Giantstep tăng hơn 1.200% kể từ khi niêm yết vào tháng 3, khi nhà đầu tư đổ xô đến các cổ phiếu liên quan đến metaverse và các quỹ ETF.

Sắp tới, metaverse dự kiến sẽ được áp dụng rộng rãi đối với các nhà phát triển game online, người sáng tạo nội dung và cả các công ty K-pop. Tuy nhiên, các công ty làm việc trong những lĩnh vực công nghệ mới này sẽ phải chứng tỏ rằng doanh nghiệp của họ có khả năng tồn tại lâu dài hoặc sẽ đối mặt với những biến động có thể xảy ra.

Sung Jonghwa – nhà phân tích tại eBEST Investment & Securities Co., cho biết: “Tôi lạc quan về những công ty có sự chuẩn bị cẩn thận cho NFT và metaverse. Tuy nhiên, một số có thể gặp áp lực nếu họ không thể thực hiện lời cam kết của mình.”

Ở thời điểm cuối năm, xu hướng đầu tư trên TTCK Hàn Quốc đang trở nên ảm đạm hơn do NHTW thắt chặt chính sách, Covid-19 tiếp tục lây lan và giao dịch ký quỹ bị hạn chế. Chỉ số Kospi dù có thành tích top đầu thế giới vào năm 2020 nhưng lại mất sạch mức tăng trong năm nay. Tuy nhiên, Kospi vẫn tăng 5% so với mức giảm 3% của MSCI Asia Pacific Index.

An Hyungjin – CEO của Billionfold Asset Management Inc., cho hay: “Chúng ta đang chứng kiến sự phân cực lớn trên thị trường. Nếu 1 số cổ phiếu tăng giá gấp 10 lần, thì một số cổ phiếu khác lại mất trắng.”

Nhà đầu tư nhỏ lẻ trong quý này đã bắt đầu bán ra lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các cổ phiếu họ ưa thích, bao gồm Shin Poong Pharmaceutical Co. và Celltrion Inc. đều đảo chiều và lao dốc.

Trong khi đó, các quỹ ngoại đã bán ròng các cổ phiếu trong Kospi với tốc độ mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong năm 2020 và 2021, họ đã bán khoảng 50 nghìn tỷ won (42 tỷ USD).

Những “người chiến thắng”

Wemade Max Co. (tăng 1.499%)

Cổ phiếu này bắt đầu thăng hoa khi cổ đông lớn nhất là công ty mẹ Wemade ra mắt phiên bản toàn cầu thứ 4 của “Legend of Mir”, cho phép người chơi chuyển đổi tài sản trong game thành tiền số có thể giao dịch.

Tháng 11, Wemade Max đã đặt ra mức biên độ dao động giá sau khi công bố đợt hoán đổi cổ phiếu để đưa Wemade Next Co. – nhà phát triển của Mir4, trở thành đơn vị hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của mình. Công ty này hiện có vốn hoá khoảng 615 triệu USD.