31/12/2024

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 diễn ra hôm nay (4/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát và các hoạt động kinh tế-xã hội cơ bản được khởi động lại, trong đó, điểm sáng là xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua, lạm phát đang được kiểm soát tốt, giảm dần xuống dưới mức mục tiêu, nhưng không được chủ quan.

“Lạm phát dưới 4% là khả thi nhưng đòi hỏi phải phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa tốt hơn nữa”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho biết, sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của Covid-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh, bao gồm 4 nhân tố: nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, vẫn còn một số rủi ro, thách thức từ bên ngoài mà lớn nhất hiện nay là việc dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước và khu vực. Căng thẳng thương mại vẫn leo thang, địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, cũng có cảnh báo về bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền bơm ra lớn nhưng khả năng hấp thụ còn yếu, có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính, nên cần lưu tâm đến vấn đề này.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần điều hành chủ động, linh hoạt, tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu định hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có.

Liên quan, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến. Đồng thời, hoàn thiện đề án, nghị định về quy định fintech, cho vay ngang hàng, xác thực điện tử…

Bên cạnh đó, theo người đứng đầu Chính phủ, dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu còn lớn nên cần đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển mạnh thị trường trong nước, kích cầu tiêu dụng nội địa, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là dòng vốn đang dịch chuyển trong khu vực và thế giới.

Đồng thời, phải chú trọng đẩy mạnh hơn xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa với 100 triệu dân. Không chỉ chú ý đến doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phải đặc biệt quan tâm đến những doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa.

“Chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào để phấn đấu tăng trưởng mức cao nhất”, Thủ tướng nói và khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ cho doanh nghiệp, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại.

Trước đó, hồi đầu tháng 7, tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Thủ tướng cho biết, Hội đồng tư vấn đã thống nhất đề xuất Chính phủ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, ngành ngân hàng tiếp tục xem xét hạ lãi suất để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Ngành tài chính tiếp tục xem xét giảm, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí…