25/12/2024

Ngày 27/1/2022, tại Hà Nội, Vụ Truyền thông (NHNN) phối hợp VTV3 – Ban Sản xuất các chương trình giải trí Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã tổ chức họp báo ra mắt chương trình “Tiền khéo, tiền khôn năm 2022”.

Tham dự họp báo có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh. Về phía VTV có ông Đỗ Thanh Hải – Phó Tổng giám đốc. Ngoài ra, về phía NHNN còn có lãnh đạo Vụ Truyền thông, đại diện các Vụ (Thanh toán, Chính sách tiền tệ, Tín dụng các ngành kinh tế), Viện Chiến lược phát triển ngân hàng, Văn phòng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng. Về phía các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTM) có đại diện Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, HDBank, VietBank, VPBank, Bac A Bank.

Nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo an toàn hoạt động và nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm từ các chương trình giáo dục tài chính quốc tế, nghiên cứu các điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, thực hiện chủ trương của Ban Lãnh đạo NHNN và Đài Truyền hình VN, Vụ Truyền thông và VTV3 – Ban Sản xuất các chương trình giải trí Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp thực hiện chương trình “Tiền khéo, tiền khôn” với thông điệp “Kiến thức – kỹ năng tài chính thông minh”. Đây là một chương trình được thực hiện theo format trò chơi truyền hình (gameshow) có hình thức gần gũi, hấp dẫn, hứa hẹn có sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng.

Phát biểu tại họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông cho biết, việc giáo dục, phổ biến kiến thức tài chính – ngân hàng đã và đang trở thành một trong những chính sách ưu tiên dài hạn không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, do tác động của dịch Covid – 19 lên mọi mặt đời sống xã hội và cũng chính sự phát triển nhanh chóng của khu vực tài chính với nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng đã đặt ra yêu cầu trang bị, phổ biến kiến thức và kỹ năng tài chính ngân hàng cho mọi tầng lớp người dân. Việc này sẽ góp phần cải thiện nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, để tạo nên một xã hội có thói quen/ tư duy/hành động phù hợp liên quan tới ngân hàng trong mọi vấn đề của cuộc sống. Việc trang bị, phổ biến kiến thức tài chính-ngân hàng cũng giúp tăng tiết kiệm trong dân cư, khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng, giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, từ đó, giảm thiểu chi phí cho xã hội, góp phần tạo nguồn kênh dẫn vốn chính thức cho nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.