Hiện nay, các địa phương đang triển khai, hoàn thiện các bản quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ. Mục tiêu đến năm 2030, thực hiện quy hoạch chính xác, thống nhất, đồng bộ, phát triển các địa phương, các vùng trong cả nước.
Đặc biệt là Hà Nam, có lợi thế về vị trí địa lý rất tốt, nằm ở vị trí chiến lược là cửa ngõ của vùng Thủ đô Hà Nội. Do đó, Hà Nam rất gần với các nguồn nhân lực chất lượng cao, gần các cảng hàng không và cảng biển trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Tuy nhiên, Hà Nam cũng có một số mặt hạn chế về cơ sở hạ tầng. Cụ thể, hạ tầng khu công nghiệp, khu logistics, khu du lịch, khu đô thị, chuyển đổi số chậm đang cần được đầu tư mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa. Qua đó, Hà Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và đạt được mức tăng trưởng tốt hơn.
Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiến hành quy hoạch tỉnh Hà Nam phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Cùng với đó, đảm bảo thống nhất, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.
Phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Nam tập trung vào một số động lực tăng trưởng quan trọng. Các lĩnh vực đó là công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao, đô thị, dịch vụ về du lịch, giáo dục – đào tạo, y tế và nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào để khai thông, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển chung của vùng.
Đến năm 2025, mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035. Cụ thể, phấn đấu đạt mức phát triển tốt cùng đồng bằng Bắc Bộ, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 10,7%. Hơn nữa, phấn đấu GRDP đạt khoảng 12% mỗi năm giai đoạn 2026-2030.
Mục tiêu đến năm 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phát triển Hà Nam thành một trong các trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước về công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đạt hiệu quả kinh tế – xã hội lớn.
Cùng với đó, địa phương sẽ đẩy mạnh xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ logistics, nâng cao hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng số hiện đại và kết nối với các vùng của cả nước. Hơn nữa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.