26/12/2024

Theo đánh giá của Bộ Công thương, nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng đang tạo thách thức lớn cho ngành điện trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước có hạn, phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu, hồ thủy điện thiếu nước để sản xuất… Việc khuyến khích các doanh nghiệp có sẵn mặt bằng mái, đặc biệt các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, các chủ đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà để chủ động nguồn điện, giảm áp lực cho ngành điện ngày càng trở nên quan trọng, có ý nghĩa bền vững.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển điện mặt trời như giảm thuế, hỗ trợ về giá điện… đã góp phần giúp nguồn năng lượng tái tạo và các dự án điện mặt trời mái nhà được đẩy mạnh, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 5/2020, tổng số lượng dự án điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam là 31.506 tương đương với giá trị công suất lắp đặt xấp xỉ 652 MWp, tăng thêm 3.661 dự án, công suất tăng thêm 79MWp so với cuối tháng 4/2020.

Thực tế, việc sử dụng năng lượng mặt trời sẽ giúp các doanh nghiệp sử dụng điện với chi phí tiết kiệm nhất. Đó là chưa kể, các doanh nghiệp có thể bán lại nguồn điện dư thừa cho cho EVN với mức giá ưu đãi.

Chung tay cùng Chính phủ trong việc góp phần đẩy mạnh tín dụng xanh, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về vốn thông qua các chương trình ưu đãi tín dụng dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Gần đây, nhà băng đã tung ra gói tín dụng “Tài trợ dự án điện mặt trời mái nhà dành cho doanh nghiệp” với mong muốn giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn khi đầu tư vào lĩnh vực này.