Việc Trung Quốc nỗ lực tận dụng các trường đại học của Mỹ không phải là điều bí mật. Người ta đã chú ý nhiều đến các Viện Khổng Tử của Trung Quốc được đặt bên trong khuôn viên các trường đại học. Nhưng các viện này được đánh giá chỉ là phần nổi của tảng băng trôi mà thôi.
Giới quan sát Mỹ nhận định một số chương trình khác của Mỹ cũng có năng lực khai thác và gây ảnh hưởng lên các trường đại học Mỹ. Hoạt động của các chương trình này, tương tự như các Viện Khổng Tử, hiện nay vẫn chưa được biết đầy đủ. Dưới đây là một số nét phác họa mà giới quan sát Mỹ phát hiện được:
Các chương trình Tài năng
Bắc Kinh xây dựng và thực hiện các chương trình này nhằm thu hút “các nhà khoa học, kỹ sư và nhà quản lý hàng đầu của nước ngoài”. Các lời mời và các quảng cáo được gửi trực tiếp từ các viện nghiên cứu của Trung Quốc quản lý các chương trình cụ thể. Nhưng phần lớn các cơ quan này lại phải báo cáo với chính quyền Trung Quốc hoặc chịu sự giám sát của chính quyền Trung Quốc – nơi cung cấp tài chính cho những người tham gia các chương trình này.
Một cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2020 về các hoạt động của giới chức Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ nhận xét rằng những người trúng tuyển các chương trình này phải ký vào “các hợp đồng ràng buộc pháp lý bắt buộc những người thụ hưởng phải che giấu mối quan hệ với Trung Quốc, hỗ trợ việc di chuyển bất hợp pháp nguồn vốn trí tuệ nhằm sao chép và xây dựng các phòng thí nghiệm ngầm ở Trung Quốc, tuyển dụng thêm nhân tài khác, xuất bản các tạp chí khoa học có trụ sở ở Trung Quốc, tham gia các hoạt động ở hải ngoại vi phạm các quy định về kiểm soát xuất khẩu và gây ảnh hưởng lên các tổ chức Mỹ”.
Khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ bắt đầu kiểm tra Chương trình Ngàn Tài năng vào năm 2015, Bắc Kinh đã đột ngột chấm dứt mọi thảo luận công khai về chương trình này và xóa bỏ mọi sự liên hệ trực tuyến với chương trình này. Tuy nhiên chương trình đó vẫn tiếp diễn.
Năm 2020, Giáo sư hóa học Đại học Havard – Charles Lieber, người được nhận học bổng nghiên cứu khá đồ sộ từ Viện Y tế Quốc gia và Bộ Quốc phòng, đã bị kết tội che giấu nguồn quỹ nhận được từ một chương trình tuyển dụng của Trung Quốc.
Ngay sau đó, một vụ tương tự, tại Đại học Emory, đã bị phơi bày ra ánh sáng. Giáo sư Xiojiang Li cùng vợ (quản lý phòng thí nghiệm thần kinh học của trường Emory) đã đột ngột bị sa thải khi họ bị cơ quan chức năng liên bang điều tra về việc không báo cáo hàng trăm ngàn USD tài trợ nhận được từ Viện Khoa học Trung Quốc.
Các Viện Khổng Tử
Chính phủ Trung Quốc thiết lập các Viện Khổng Tử nhằm mục đích dạy tiếng Hán và văn hóa Hán ra toàn cầu (theo tuyên bố từ phía Trung Quốc). Ở Mỹ, các viện này thường được lập ra trong mối quan hệ đối tác giữa các thể chế Trung Quốc (do chính quyền giám sát) và các trường học nhằm mục đích cung cấp các khóa dạy tiếng Hán, tổ chức các sự kiện văn hóa và tài trợ cho nghiên cứu liên quan đến Trung Quốc. Hầu hết các viện này được đặt bên trong khuôn viên trường đại học Mỹ. Một số ít viện Khổng Tử ở Mỹ là độc lập, không gắn với cơ quan nào của Trung Quốc.
Một nghiên cứu năm 2014 của Hiệp hội các Giáo sư Đại học Mỹ đã kiểm tra 12 Viện Khổng Tử, thăm dò các chính sách thuê người của họ, cách tài trợ, hợp đồng và áp lực lên các khoa đào tạo liên kết với các viện này.
Báo cáo của nghiên cứu này đã vạch ra 4 vấn đề gây quan ngại cho Mỹ: tự do trí tuệ; tính minh bạch; sự dính líu của các chính sách Trung Quốc; các mối quan ngại rằng các viện này là công cụ tuyên truyền cho Trung Quốc.
Ví dụ, một vị giáo sư đã tuyên bố như thế này: “Bạn được yêu cầu không thảo luận vấn đề Đạt Lai Lạt Ma hay mời ông này tới trường. Các vấn đề cấm kỵ bao gồm Tây Tạng, Đài Loan, quân đội Trung Quốc tăng cường sức mạnh, chuyện nội bộ ban lãnh đạo Trung Quốc…Một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ năm 2019 còn bổ sung một số quan ngại nữa.
Tuy nhiên giới quan sát Mỹ vẫn chưa nắm được các thông tin thiết yếu về quy mô hoạt động của các viện Khổng Tử này, mối quan hệ tài chính và hoạt động nghiệp vụ của chúng với các thể chế khác, và thực sự vẫn chưa biết rõ tác động của các viện này.
Hồi tháng 1/2019, Thứ trưởng Giáo dục Mỹ khi đó là Mick Zais chứng thực rằng “gần 70% các trường đại học nhận tài trợ từ chính quyền Trung Quốc cho hoạt động của các Viện Khổng Tử không bao giờ báo cáo lên Bộ Giáo dục về các khoản tiền đóng góp này…, trái với luật pháp liên bang”.
Nếu chính phủ Mỹ không biết chính xác quy mô của các khoản tài trợ này thì họ sẽ khó có biện pháp ứng phó hiệu quả.
Hiệp hội Học giả và Sinh viên Trung Quốc (CSSA)
Chính phủ Trung Quốc tài trợ các tổ chức CSSA và hoạt động của chúng bên trong khuôn viên các trường đại học Mỹ.
Bề ngoài, CSSA có nhiệm vụ giúp đỡ sinh viên Trung Quốc thích ứng với cuộc sống và chuyện học hành ở nước ngoài, từ tìm nhà đến tìm bạn chung phòng và tổ chức các nhóm học tập cũng như hoạt động cộng đồng.
Nhưng ảnh hưởng của CSSA có thể không dừng lại ở đó.
Một báo cáo năm 2018 của Ủy ban Kiểm tra Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc (được Quốc hội Mỹ ủy quyền) đã xác định được ít nhất 124 chi nhánh CSSA ở Mỹ. Theo báo cáo này, các chi nhánh đó có vẻ trực tiếp chịu sự chỉ đạo chính trị từ Đại sứ quán và các lãnh sự quán Trung Quốc trên đất Mỹ.
Báo cáo trên cũng cung cấp chi tiết về các vụ cụ thể ở Mỹ và nước khác nữa, liên quan đến hoạt động gián điệp, hăm dọa chính trị, và các hoạt động bất hợp pháp ngay bên trong các CSSA.
Báo cáo lưu ý rằng, “các CSSA thường nỗ lực che giấu hoặc làm mờ mối liên hệ của mình với chính quyền Trung Quốc”.
Các món quà của Trung Quốc
Các trường đại học Mỹ tham gia hợp đồng với các nguồn Trung Quốc nhằm nuôi dưỡng quan hệ cộng tác. Trong các hoạt động này có các hợp đồng với các công ty Trung Quốc.
Một phân tích do hãng Bloomberg tiến hành đối với dữ liệu do Bộ Giáo dục Mỹ thu thập kết luận rằng trong 6 năm rưỡi (cho tới tháng 6/2020), 115 trường đại học Mỹ nhận gần 1 tỷ USD dưới dạng quà tặng và hợp đồng từ các bên Trung Quốc. Và đó mới chỉ là khoản tiền được thông báo công khai.
Năm 2018, Trung tâm Woodrow Wilson tài trợ một nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của Trung Quốc lên các trường đại học Mỹ. Các nhà nghiên cứu thực hiện xấp xỉ 180 cuộc phỏng vấn, bao gồm hơn 100 cuộc với các vị giáo sư. Báo cáo kết luận như sau: “Các quan ngại là có cơ sở dù đôi lúc chúng bị thổi phồng”.
Hội đồng Học bổng Trung Quốc
Đây là một tổ chức phi lợi nhuận bên trong Bộ Giáo dục Trung Quốc, tổ chức này chuyên cấp tiền cho các hoạt động trao đổi học thuật, cho các học giả và giáo sư Trung Quốc, và các nhà nghiên cứu khác. Hội đồng này cũng cung cấp học bổng cho các sinh viên Trung Quốc theo đuổi các khóa cử nhân và sau đại học ở nước ngoài.
Cơ quan này của Trung Quốc cũng được Mỹ đánh giá là tham gia gây ảnh hưởng lên các trường đại học của Mỹ…./.