25/12/2024

Dù có sự sụt giảm đáng kể so với mức đỉnh thiết lập hồi quý 3/2021, ngành thép Việt Nam vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng, đặc biệt đứng trước cơ hội lớn từ xuất khẩu. Trong báo cáo mới đây, VNDirect (VND) nhận định Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới Trung Quốc – quốc gia sản xuất 45% sản lượng thép thô toàn cầu năm 2021.

Khi mà, hiện Trung Quốc đang thực hiện hàng loạt chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thép nước này như:

(1) loại bỏ hoàn thuế VAT 13% đối với 146 sản phẩm thép từ tháng 5/2021;

(2) giảm thuế nhập khẩu thép thô, gang và thép phế xuống 0% từ tháng 5/2021;

(3) lệnh cấm nhập khẩu than từ Australia khiến các nhà máy thép Trung Quốc khó tiếp cận được nguồn nguyên liệu giá rẻ;

(4) Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu giảm 65% lượng khí thải CO2 trên mỗi đơn vị GDP so với mức của năm 2005, trọng tâm sẽ buộc giảm sản lượng các ngành sản xuất công nghiệp nặng, trong đó có thép.

Bên cạnh đó, VND cũng nhận thấy xu hướng các nước phát triển (Mỹ, EU, Nhật Bản) ngày càng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản lượng thép sản xuất. Đơn vị này cho rằng xu hướng sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi các nước đang phát triển có nhu cầu xây dựng lớn, khuyến khích các nhà sản xuất trong nước tham gia; và sau một thời gian phát triển công nghiệp nặng, các nước phát triển sẽ tập trung vào sản xuất xanh, nhằm bảo vệ môi trường khiến chi phí sản xuất của họ tăng lên.

Chưa kể, giá nhân công cũng cao hơn so với các nước đang phát triển. Hệ quả là sức cạnh tranh của ngành thép ở các nước phát triển ngày càng giảm. Điều tương tự đang xảy ra tại Trung Quốc, khi thu nhập bình quân của công nhân nước này đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2000, theo World Bank. Do đó, VND cho rằng điều này sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành thép của các nước đang phát triển với giá nhân công thấp, trong đó có Việt Nam.