Cơ quan điều tra đã đề nghị Viện kiểm sát ban hành cáo trạng, truy tố Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị can khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị can Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm, công ty con của Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa Ốc Xanh, một công ty con của Công ty Alibaba) bị đề nghị truy tố về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”. Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị đề nghị truy tố tội “Rửa tiền”.
Theo kết luận điều tra, Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm đã thành lập 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận, rồi phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán. Sau khi khách hàng đồng ý mua, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.
Giá trị tài sản có thể sẽ tăng nhiều lần
Theo Cơ quan điều tra, trong vụ án này có 5.671 bị hại bị Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm chiếm đoạt với số tiền là 2.435 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã kê biên các bất động sản tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, với tổng trị giá ước khoảng 1.400 tỷ đồng; đồng thời phong tỏa, tạm giữ 45,4 tỷ đồng từ các tài khoản ngân hàng của các bị cáo và các công ty con thuộc Công ty Alibaba cùng 23 chiếc xe ô tô có giá trị 15,2 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng cũng tiến hành thủ tục tạm giữ các khoản tiền do Công ty Alibaba đặt cọc cho các chủ nhà là 1,6 tỷ đồng…
Theo nguyên thẩm phán TAND TPHCM Nguyễn Minh Cảnh, theo quy định bồi thường dân sự trong vụ án hình sự thì tài sản bị lừa đảo trị giá khoảng trên 2.400 tỷ đồng của 5.671 nạn nhân không được tính lãi như án dân sự, cho đến khi các cấp tòa tuyên án, bản án có hiệu lực pháp luật thì từ thời điểm đó mới tính phần lãi. Toàn bộ 5.671 nạn nhân, nếu được nhận phần bồi thường thì cũng chỉ được thực hiện sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Do vụ án chỉ mới hoàn tất điều tra, Viện kiểm sát chưa ra cáo trạng nên chưa đưa ra hướng giải quyết thiệt hại cho 5.671 nạn nhân. Ông Nguyễn Minh Cảnh, nguyên thẩm phán TAND TPHCM phân tích, đây là vụ khá hy hữu với số lượng nạn nhân rất lớn, những bị hại này có thể được nhận lại một phần hay toàn bộ thiệt hại về tài sản do các bị cáo gây ra. Cơ quan điều tra đã phát hiện sớm các hành vi được xem là tội phạm, kê biên, phong tỏa nhiều đất đai, tài sản… giá trị ước tính hơn 1.400 tỷ đồng. Cần biết rằng, theo quy định bồi thường dân sự trong vụ án hình sự thì tài sản bị lừa đảo trị giá khoảng trên 2.400 tỷ đồng của 5.671 nạn nhân không được tính lãi như án dân sự, cho đến khi các cấp tòa tuyên án, bản án có hiệu lực pháp luật thì từ thời điểm đó mới tính phần lãi. Toàn bộ 5.671 nạn nhân, nếu được nhận phần bồi thường thì cũng chỉ được thực hiện sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Theo luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TPHCM), trong vụ án có thiệt hại trên 2.400 tỷ đồng, Cơ quan điều tra kê biên, phong tỏa khá nhiều đất đai (do Nguyễn Thái Luyện đã mua nhưng chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng và tự vẽ ra dự án để bán) cùng một số tài sản, giá trị ước tính trên 1.400 tỷ đồng. Trên thực tế tài sản là quyền sử dụng đất đang bị kê biên sẽ thay đổi trị giá theo thời gian. Cho nên, đến khi thi hành án phần dân sự trong vụ án hình sự, có khi giá trị tăng gấp 2, 3 thậm chí hàng chục lần. Xử lý như thế nào cho phù hợp, quyền lợi của các bên được bảo đảm là vấn đề khá phức tạp, không đơn giản chỉ là câu chuyện các bị cáo thực hiện khắc phục hậu quả…