27/12/2024

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về nguồn lực và con người, đi theo con đường khác biệt hóa, tập trung phát triển thế mạnh chính là giải pháp lâu dài và ổn định cho các SME (doanh nghiệp vừa nhỏ).

Tại Hội nghị One Global Vietnam – Kết nối đến tương lai cho một Việt Nam toàn cầu, những ý tưởng sáng tạo cho chính sách phát triển bền vững của Việt Nam và trên thế giới trong những thập kỷ tới đã được đưa ra bàn luận.

Trong đó, việc đổi mới cho các doanh nghiệp SME tại Việt Nam là câu chuyện nhận được nhiều sự quan tâm. Có mặt tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Cương – Tổng giám đốc Gỗ Minh Long đã phân tích những mặt hạn chế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó đưa ra những đổi mới trong mô hình kinh doanh.

Những hạn chế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Chia sẻ tại buổi Hội thảo, theo ông Nguyễn Minh Cương, hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chính là thiếu một chiến lược đúng đắn. Thị trường kinh tế Việt Nam là một thị trường trẻ, năng động và tận dụng tốt cơ hội của các nhà đầu tư.

Nhờ chính sách mở cửa của chính phủ và sự thích nghi nhanh chóng từ chính tư duy chủ động của các doanh nghiệp, việc đăng ký kinh doanh và có mặt trên thị trường được rút ngắn. Tuy vậy, hướng đi của mỗi doanh nghiệp cần được xây dựng dựa trên sự hiểu biết đầy đủ về thị trường, đối thủ và quan trọng hơn là nội lực của bản thân. Vấn đề này thường không được các doanh nghiệp nhìn nhận đúng đắn.

Những hạn chế về vốn đầu tư cũng là nguyên nhân quan trọng gây khó khăn cho các DN vừa và nhỏ. Vì đại dịch Covid, gần 10% các doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu vốn và dòng tiền mặt. Vốn doanh nghiệp chỉ chiếm trung bình 20 – 30% nguồn lực, phần còn lại phụ thuộc vào vay ngân hàng.

Thiếu nguồn lực về tài chính đồng nghĩa với việc đầu tư cho máy móc, hệ thống vận hành và công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng không được chú trọng.

Tính thích ứng linh hoạt

Dịch bệnh đã thay đổi nhiều khái niệm cũng như mô hình về chi phí của doanh nghiệp. Những chi phí từng được cho là cố định thì lại trở thành chi phí biến đổi (như chi phí thuê văn phòng làm việc). Ngược lại, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp như quy trình tự động hóa và công nghệ mới lại trở thành điều kiện tối thiểu trong vận hành.

Để thích nghi với tình trạng “bình thường mới”, việc cắt giảm chi phí hay cắt giảm nhân sự chắc chắn là những phương án mà chủ doanh nghiệp cần cân nhắc. Sự chuyển dịch là cần thiết nhưng vẫn cần xuất phát từ giá trị cốt lõi và điểm đặc trưng – khác biệt hóa của doanh nghiệp.