“Phản hướng thanh niên”
Năm 2018, Jin Guowei nợ nần chồng chất với công việc bán hoa quả cho khách du lịch ở Lệ Giang (Vân Nam). Giờ đây, tài khoản Brother Pomegranate (Thạch lựu Ca) đã trở thành một hiện tượng mạng xã hội tại Trung Quốc, với 7,3 triệu người theo dõi và doanh thu năm 2020 đạt 300 triệu tệ (46 triệu USD). Thành tích bán hàng của anh rất đáng nể, từng bán được số lựu trị giá 6 triệu tệ chỉ trong 20 phút.
Đây chính là minh chứng cho xu hướng kinh doanh ở vùng nông thôn ngày càng phát triển ở Trung Quốc. Nông dân và người bán hàng nông sản ở các tỉnh thành xa sẽ bán hàng qua livestream trên các ứng dụng mạng xã hội. Doanh thu của những người sáng tạo nội dung đến từ các vùng nông thôn tạo ra trên Douyin đã tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, một nông dân khác là Guo Chengcheng, tương tác với 2,5 triệu người hâm mộ trên Douyin từ cánh đồng của gia đình cô. Người xem có thể nhấn vào một liên kết hiển thị trên màn hình để mua hàng, trong khi đó Guo đang thu hoạch. Video của Guo quay cận cảnh mọi thứ, từ bí ngô mini cho đến đào rừng, hay thậm chí nhiều loại trái cây, rau củ của người dân trong làng trồng.
Trước đây, Guo từng qua một chương trình liên kết với nhà bán trên WeChat và có khoảng hơn 100 đơn đặt hàng mỗi ngày. Giờ đây, mỗi lần livestream, cửa hàng nhỏ của cô nhận tới 50.000 đơn hàng và doanh thu đạt ít nhất 9 triệu tệ mỗi tháng.
Guo và Thạch lưu Ca là một phần của dòng người đang di cư ngược ở Trung Quốc. Họ bỏ về quê lập nghiệp sau nhiều thập kỷ tìm việc ở các thành phố lớn. Theo Douyin, 54% các influencer đến từ nông thôn hoạt động nền tảng của họ là “fanxiang qingnian” (phản hướng thanh niên).