03/01/2025

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo bán 85 khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. Các khoản nợ này đều không có tài sản bảo đảm và có tổng giá trị ghi sổ hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó, món nhỏ nhất có dư nợ gốc, lãi và lãi phạt là 2,7 triệu đồng, còn món lớn nhất có giá trị hơn 60,7 triệu đồng.

VietinBank chào giá khởi điểm cho các khoản nợ này đúng bằng giá trị cả gốc lẫn lãi. Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán khoản nợ không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Trong năm 2021, VietinBank cũng từng nhiều lần chào bán các khoản nợ tiêu dùng không tài sản đảm bảo.

Hồi cuối tháng 11, ngân hàng này chào bán 76 khoản nợ tiêu dùng với tổng giá trị ghi sổ khoản nợ gồm gốc, lãi và lãi phạt là hơn 1,64 tỉ đồng. Trong đó, khoản nợ nhỏ nhất chỉ hơn 1 triệu đồng và nhiều nhất là khoản nợ hơn 73 triệu đồng.

Cuối tháng 9/2021, VietinBank cũng đã ra thông báo rao bán 264 khoản nợ vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân để thu thu hồi nợ với tổng giá trị lên tới hơn 6,5 tỷ đồng. Các khoản nợ được rao bán có giá trị chỉ từ vài trăm nghìn đồng đến hơn trăm triệu đồng, bao gồm gốc, lãi, lãi phạt. 

Hoạt động xử lý nợ của VietinBank được đẩy mạnh trong bối cảnh số dư nợ xấu của ngân hàng đã tăng hơn 90% trong 9 tháng đầu năm 2021 lên 18.097 tỷ đồng.

Mặc dù nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã giảm hơn 41% xuống còn 3.543 tỷ đồng; tuy nhiên nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đã tăng vọt lên gần 11.631 tỷ đồng, gấp 7,2 lần so với đầu năm, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng hơn 57% lên 2.923 tỷ đồng.

Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank chỉ tăng 6,8% lên gần 1,085 triệu tỷ đồng. Điều này đã khiến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh từ mức 0,94% thời điểm đầu năm lên 1,67% tính đến cuối quý III/2021.