25/12/2024

Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ 9 tháng đầu năm và kế hoạch thời gian tới.

Thông tin tại buổi họp báo, NHNN cho biết, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.

Cụ thể, (i) sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của TCTD hợp lý để ổn định thị trường; Điều hành công cụ tái cấp vốn linh hoạt, phù hợp với diễn biến vĩ mô, tiền tệ, nhu cầu vốn của TCTD và chủ trương của Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch bệnh Covid-19; 

(ii) Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; đảm bảo ổn định thị trường, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi; 

(iii) Chỉ đạo TCTD tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách cấp tín dụng nhằm hỗ trợ các đối tượng chịu tác động của dịch Covid-19 và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ;

(iv) Theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các TCTD cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp. Triển khai tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án 1058 để làm cơ sở xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025; 

(v) Tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công…;  

(vi) Đẩy mạnh triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính, khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng; góp phần thúc đẩy TTKDTM, thúc đẩy tài chính toàn diện.